Trả lời phỏng vấn trên tờ Alrai của Kuwait ngày 31/7, tân Tổng Thư ký của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham al-Ghais cho rằng Nga đóng vai trò trọng yếu cho thành công của các thỏa thuận về chính sách sản lượng của OPEC cùng các đồng minh (OPEC+).
Ông al-Ghais khẳng định OPEC không cạnh tranh với Nga, đồng thời nhấn mạnh Nga là một bên quan trọng, đóng vai trò chính và có ảnh hưởng lớn trên bản đồ năng lượng thế giới.
OPEC+ là nhóm gồm 13 quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng 10 nước sản xuất dầu khác, trong đó có Nga. Liên minh OPEC+ được xây dựng năm 2016, khi giá dầu thế giới xuống mức thấp kỷ lục.
Đề cập tới giá dầu từ đầu năm tới nay, ông Haitham al-Ghais cho biết OPEC không kiểm soát giá dầu, nhưng tổ chức này có vai trò điều chỉnh thị trường về cung và cầu.
“Diễn biến trên thị trường dầu toàn cầu đang rất bất ổn và hỗn loạn”, người đứng đầu OPEC khẳng định.
Tuy nhiên, ông Al-Ghais cho rằng việc giá dầu tăng mạnh trong nửa đầu năm nay không chỉ liên quan đến tình hình chiến sự tại Ukraine bởi tất cả dữ liệu đều cho thấy giá “vàng đen” đã bắt đầu tăng dần trước khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukaine.
OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 3/8 và xem xét giữ nguyên sản lượng dầu mỏ trong tháng 9/2022, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ về việc tăng thêm nguồn cung.
Giá dầu đã tăng vọt trong năm 2022 lên mức cao nhất kể từ năm 2008, trên mức 139 USD/thùng vào tháng Ba, sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Kể từ thời điểm đó, giá dầu đã có lúc giảm xuống khoảng 108 USD/thùng, do lạm phát tăng vọt và lãi suất tăng làm thị trường ngày càng lo ngại suy thoái kinh tế sẽ làm “xói mòn” nhu cầu dầu mỏ.
Trả lời câu hỏi về các yếu tố sẽ ảnh hưởng đến giá dầu vào cuối năm nay, ông al-Ghais nhận định, yếu tố quan trọng nhất sẽ là việc tiếp tục thiếu các khoản đầu tư vào lĩnh vực khoan, thăm dò và sản xuất.
Điều này sẽ đẩy giá dầu theo xu hướng đi lên nhưng khó có thể xác định được mức tăng chính xác.
Giavang.net