33 C
Hanoi
04/07/2024
Image default
Đầu tư vàng Tin mới nhất Vàng

“Thuốc mới” của NHNN khiến SJC giảm gần 7 triệu 1 tuần, “đu đỉnh” 92,4 triệu lỗ hơn 11 triệu mỗi lượng

(GVNET) – Tóm tắt

  • Giảm mạnh trong những ngày cuối tháng, vàng miếng vẫn kết thúc tháng 5 với xu hướng tăng.
  • Trong tuần từ 27/5-1/6, vàng miếng giảm “bạt mạng” sau khi NHNN có phương án mới sau thông báo dừng đấu thầu.
  • Thị trường vàng nhẫn cũng tăng trong tháng 5 và giảm khá mạnh trong tuần này.
  • Về đáy hơn 50 ngày, SJC thu hẹp gần 6 triệu đồng khoảng cách với vàng nhẫn và gần 7 triệu đồng khoảng cách vơi thế giới.

Nội dung chi tiết

SJC “bốc hơi” hơn 7 triệu đồng chỉ trong 1 tuần giao dịch

Từ phiên đầu tuần 27/5 đến phiên sáng ngày 29/5, thị trường vàng miếng biến động tích cực với xu hướng tăng. Bước sang phiên chiều ngày 29/5, sau thông báo bán vàng của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng bắt đầu giảm và đà giảm mạnh kéo dài sang phiên cuối tuần 1/6.

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Về thời gian bán vàng, các ngân hàng thông báo sẽ bắt đầu bán ra vào chiều ngày 3/6/2024, tức chiều thứ Hai tuần tới.

Các ngân hàng đã sẵn sàng nguồn lực và đang phối hợp chặt chẽ cùng Ngân hàng Nhà nước để hoàn thiện đồng bộ các giải pháp nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất với chủ trương 3 “KHÔNG”:

  • Không vì mục đích lợi nhuận: Khách hàng sẽ được mua vàng với giá bình ổn. Giá bán ra thị trường sẽ theo mức giá nằm trong biên độ được NHNN cho phép.
  • Không giới hạn khách hàng cá nhân: Mọi khách hàng cá nhân đáp ứng các yêu cầu về định danh cá nhân và quy định Phòng chống rửa tiền của Nhà nước đều có thể đăng ký mua vàng tại VietinBank.
  • Không giới hạn số lượng mua: Các khách hàng cá nhân có thể mua với số lượng không giới hạn theo quy định của Nhà nước.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 1/6, giá vàng SJC Hồ Chí Minh niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 81,00 – 83,00 triệu đồng/lượng, giảm 6,6 triệu đồng/lượng chiều mua và bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần 27/5.

Tại DOJI, giá mua bán chốt phiên 1/6 ở mức 80,95 – 82,75 triệu đồng/lượng, mua vào giảm 6,65 triệu đồng, bán ra giảm 6,55 triệu đồng so với giá mở cửa phiên đầu tuần.

Bảo Tín Minh Châu chốt phiên 1/6 tại 80,95 – 83,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 6,85 triệu đồng chiều mua và 5,95 triệu đồng chiều bán so với mở cửa phiên đầu tuần.

Nhìn chung tại thị trường vàng miếng, giá mua vào chốt tuần ở ngưỡng 80,95-82 triệu đồng/lượng, giá bán ở ngưỡng 82,75-83,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán hiện không quá 2,5 triệu đồng, giảm mạnh so với mức đỉnh của năm tại ngưỡng 4 triệu đồng trong phiên hôm qua 31/5.

Với đà giảm gần 7 triệu đồng trong phạm vi tuần, “ôm” vàng miếng trong tuần này nhà đầu tư sẽ lỗ khoảng 7,5-8,6 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.

Nếu so với mức đỉnh hôm 10/5 với giá mua – bán ở mức 90,10 – 92,40 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC hiện đã giảm 9,1 triệu đồng chiều mua và 9,4 triệu đồng chiều bán. Với đà giảm này, mua vàng miếng trúng giá đỉnh đến nay, nhà đầu tư sẽ ghi nhận mức thiệt hại lên tới 11,4 triệu đồng mỗi lượng.

Vàng miếng SJC với mức giá hiện tại 83 triệu đồng/lượng – thấp nhất kể từ ngày 9/4/2024, đang cao hơn giá vàng thế giới 9,6 triệu đồng, giảm khoảng 6,6 triệu đồng so với cuối tuần trước.

Vàng nhẫn kết tuần với xu hướng giảm

Kết thúc phiên cuối tuần 1/6 tại thị trường vàng nhẫn, giá mua vào giao dịch ở ngưỡng 73,7-74,23 triệu đồng/lượng, giá bán ở ngưỡng 75,2-75,75 triệu đồng/lượng – thấp nhất kể từ ngày 10/5/2024. So với giá mở cửa phiên đầu tuần 27/5, chiều mua vào giảm khoảng 700.000 đồng đến 1,2 triệu đồng mỗi lượng, giá bán giảm khoảng 700.000 đồng đến 1,1 triệu đồng mỗi lượng. Chênh lệch mua – bán duy trì trong ngưỡng 1,4-1,7 triệu đồng.

Với đà giảm như trên cộng với khoản chênh mua – bán, mua vàng nhẫn từ đầu tuần đến cuối tuần sẽ lỗ khoảng 2,3-2,6 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.

Với mức giá 75,75 triệu đồng, vàng nhẫn hiện cao hơn vàng thế giới sau quy đổi 2,4 triệu đồng, giảm 1 triệu đồng so với cuối tuần trước.

SJC hiện neo mức chênh giữa vàng nhẫn và vàng miếng ở ngưỡng 7,3 triệu đồng, giảm 5,8 triệu đồng so với cuối tuần trước.

Tháng 5 của thị trường vàng miếng và vàng nhẫn

Kết thúc ngày 31/5, thị trường vàng miếng có giá mua biến động trong ngưỡng 83-83,05 triệu đồng/lượng, giá bán chốt tháng ở ngưỡng 85,9-87 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán khoảng 2,9-4 triệu đồng – cao nhất kể từ đầu năm.

So với giá mở cửa ngày đầu tháng, chiều mua ghi nhận đà tăng khoảng 400.000 đến gần 700.000 đồng mỗi lượng, chiều bán tăng 1,2-2,3 triệu đồng mỗi lượng.

Với chênh lệch mua – bán đầu tháng từ 2-2,2 triệu đồng, dù giá vàng miếng tăng nhưng mua trong tháng 5 vẫn lỗ 1,4-1,7 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.

Chốt tháng 5 với giá 87 triệu đồng, vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới 13,6 triệu đồng, giảm không đáng kể so với mức 13,7 triệu đồng hồi cuối tháng 4.

Thị trường vàng nhẫn kết thúc tháng 5 ở ngưỡng 74,15-74,65 triệu đồng/lượng chiều mua và 75,65-76,3 triệu đồng/lượng chiều bán. So với giá mở cửa ngày đầu tháng, mua vào tăng khoảng 300.000 đến 1,2 triệu đồng/lượng, bán ra tăng khoảng 100.000 đồng đến 1,2 triệu đồng mỗi lượng.

Với chênh lệch mua – bán ở ngưỡng 1,4-1,7 triệu đồng, đầu tư vàng nhẫn trong tháng 5 ghi nhận mức lỗ khoảng 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng tùy đơn vị.

Mức giá 76,3 triệu đồng của vàng nhẫn cuối tháng 5 cao hơn giá vàng thế giới 2,9 triệu đồng, giảm 400.000 đồng so với cuối tháng trước.

Chốt tháng 5, giá vàng miếng SJC cao hơn vàng nhẫn SJC 10,9 triệu đồng, tăng 1,2 triệu đồng so với phiên cuối cùng của tháng 4.

Giá vàng thế giới

Vàng thế giới chốt tuần này và tháng 5 tại ngưỡng 2.327 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.855 VND/USD) giá vàng giao dịch tại 73,35 triệu đồng/lượng.

Trong tuần từ 27-31/5, giá vàng thế giới giảm khoảng 0,4%, nhưng vẫn tăng khoảng 1,8% trong tháng 5. Vào ngày 20/5, giá kim loại quý này đạt mức cao nhất mọi thời đại tại ngưỡng 2.450 USD.

Số liệu kinh tế được chờ đợi đến từ Bộ Thương mại Mỹ vào ngày thứ Sáu vừa qua về cơ bản không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi – thống kê có ảnh hưởng lớn đến các quyết định lãi suất của Fed – tăng 0,2% trong tháng 4, bằng với mức dự báo tăng mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE lõi tăng 2,8%, nhỉnh hơn so với mức dự báo tăng 2,7% mà các nhà kinh tế học đưa ra.

Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã lo ngại rằng báo cáo PCE có thể hơn dự báo và dẫn tới một cuộc bán tháo trên thị trường vàng. Một số nhà phân tích cho rằng lẽ ra vàng phải tăng giá khi số liệu PCE “thân thiện” như vậy, và phiên giảm ngày thứ Sáu của giá vàng là một chỉ báo xấu.

Vàng vẫn giảm giá dù chỉ số PCE không nóng hơn so với kỳ vọng và mức chi tiêu dùng có xu hướng suy yếu. Phiên giảm giá này của vàng cho thấy xung lực tăng đã cạn trong ngắn hạn, sau khi giá vàng đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay”, nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong ở New York nhận định.

Nhiều quan chức Fed đã nói rằng cần phải có thêm vài tháng dữ liệu lạm phát suy yếu để thuyết phục họ rằng đã an toàn để cắt giảm lãi suất. Khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 vẫn còn bấp bênh, dù có tăng nhẹ sau ngày hôm nay”, ông Wong nói với hãng tin Reuters.

Sau báo cáo PCE, các nhà giao dịch đã tăng mức đặt cược vào khả năng Fed có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9, nhưng vẫn nghiêng nhiều hơn về khả năng phải đến tháng 11 Fed mới hành động.

Trong khi đó, giới chức Fed tuần này vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn và thận trọng về chính sách tiền tệ. Phát biểu hôm thứ Năm, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas – bà Lorie Logan – nói bà tin rằng lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2% của Fed nhưng còn quá sớm để tính chuyện giảm lãi suất.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....