Thủ tướng Anh Theresa May ngày 27/3 đề xuất từ chức như một nỗ lực cuối cùng nhằm thuyết phục Quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit, nhưng chính đảng của Bắc Ireland trong Quốc hội Anh – một lực lượng quan trọng trong việc quyết định thỏa thuận có được thông qua hay không – đã không “động lòng”.
Theo hãng tin Reuters, nếu Đảng Liên minh dân chủ (DPU) đứng về phía bà May, thì họ có thể đã thuyết phục được các nghị sỹ có quan điểm hoài nghi về Liên minh châu Âu (EU) trong Đảng Bảo thủ của bà May chuyển sang ủng hộ bà. Tuy nhiên, việc DUP giữ nguyên quan điểm không ủng hộ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng khiến khả năng thỏa thuận này không được thông qua trong lần bỏ phiếu thứ ba là rất cao.
Quyết định của DUP đang đặt ra sức ép đối với Quốc hội Anh phải đi đến một kế hoạch để ngăn việc nước này ra khỏi EU, tức Brexit, mà không có thỏa thuận vào ngày 12/4 – thời hạn mà Brussels đưa ra cho London vào tuần trước.
“Chúng tôi sẽ không ủng hộ Chính phủ nếu họ tiến hành một cuộc bỏ phiếu mới“, một tuyên bố của DUP nói.
Nếu bà May từ chức Thủ tướng, thì điều đó sẽ không thay đổi nội dung của Brexit mà bà đã mất gần 2 năm để đàm phán với EU, nhưng có thể giúp phe có quan điểm hoài nghi về EU trong Đảng Bảo thủ có một tiếng nói lớn hơn trong cuộc đàm phán các điều khoản về mối quan hệ tương lai giữa Anh với EU.
Đề xuất từ chức của bà May là diễn biến kịch tính mới nhất trong cuộc khủng hoảng Brexit đã kéo dài 3 năm qua của nước Anh. Tuy vậy, cho tới lúc này, hiện chưa rõ đến bao giờ Brexit mới diễn ra, thậm chí là Brexit có diễn ra hay không.
Nếu bà May từ chức, bà sẽ là vị Thủ tướng thứ tư liên tục của Đảng Bảo thủ phải rời ghế vì mâu thuẫn về châu Âu trong nội bộ đảng này, sau ông David Cameron, ông John Major và bà Margaret Thatcher.
Theo dự kiến, kế hoạch Brexit của bà May sẽ được đưa trở lại Quốc hội cho lần bỏ phiếu thứ ba vào ngày thứ Sáu, nhưng phát ngôn viên của bà May ngày 27/3 nói rằng cuộc bỏ phiếu sẽ chưa diễn ra chừng nào các nghị sỹ còn chưa có sự thay đổi quan điểm.
Thỏa thuận Brexit của bà May đã bị Quốc hội Anh hai lần bỏ phiếu chống, vào các ngày 12/3 và 15/1.
Cũng trong ngày 27/3, các nghị sỹ Anh đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu để lựa chọn giữa 8 thỏa thuận Brexit, từ Brexit không thỏa thuận cho tới hủy Brexit hoặc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới. Kết quả của cuộc bỏ phiếu này không có ý nghĩa ràng buộc mà chỉ nhằm định hướng cho tiến trình Brexit.
Tuy nhiên, không một lựa chọn nào nhận được đa số phiếu. Lựa chọn nhận được số phiếu thấp nhất là đề xuất giữ Anh trong một liên minh hải quan vĩnh viễn với EU.
Gần 3 năm sau cuộc trưng cầu dân ý, nước Anh vẫn có sự chia rẽ lớn. Những người ủng hộ Brexit tin rằng cho dù “cuộc ly hôn” này có thể gây ra bất ổn trong ngắn hạn, về dài hạn nước Anh sẽ phát triển tốt hơn. Trong khi đó, những người phản đối Brexit nói việc ra khỏi EU sẽ nước Anh nghèo đi và suy yếu.
Phe ủng hộ Brexit muốn có một Brexit dứt khoát, cắt mọi ràng buộc với EU, trong khi phe chống Brexit muốn nước Anh giữ được nhiều mối liên hệ kinh tế nhất có thể với khối thị trường chung. Điều này là một nguyên nhân chính phía sau tình trạng bế tắc hiện nay.
Một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy đa phần cử tri Anh tin rằng cuộc đàm phán Brexit đã được xử lý tồi, và tỷ lệ cử tri muốn Anh ở lại EU hiện đang nhỉnh hơn tỷ lệ những người muốn Brexit.
Theo Vneconomy