Vậy là đã 4 tháng trôi qua kể từ khi đại dịch COVID-19 chính thức bùng nổ trên toàn cầu. Trải qua 4 tháng với vô vàn biến động vừa qua, chắc hẳn bạn đã ‘suýt’ quên mất rằng giá vàng đã từng ‘rơi tự do’ ở thời điểm khi mới bắt đầu xảy ra đại dịch.
Đó đã từng là một điều kích thích sự tò mò của nhiều người, với những gì mà con virus nhỏ bé Corona đã làm khiến sụp đổ nền kinh tế toàn cầu, và qua thời gian trở thành một trong những cú lừa lớn nhất trong lịch sử thị trường tài chính. Bản thân trận đại dịch trong năm 2020 này sẽ sớm ghi nhận là khoảng thời mà kim loại quý vàng tăng mạnh nhất trong lịch sử. Tính đến cuối phiên giao dịch cuối tuần qua tại New York, vàng thỏi đã tăng vọt lên ngưỡng $1,902.02/oz, cao hơn khoảng 30% so với mức đáy hồi tháng 3 và cách đỉnh cao mọi thời đại vào năm 2011 khoảng 1%.
Dịch bệnh COVID-19 đã khai phóng một dòng chảy mạnh mẽ đổ vào kim loại quý này thể hiện rõ nhu cầu tìm kiếm sự an toàn (điều mà vàng có thể đem lại) trong khi mọi thứ còn đang hỗn loạn như hiện nay. Hàng loạt các mối lo ngại hiện nay có thể kể đến như việc chính phủ tiếp tục ban hành các lệnh phong tỏa; các quyết định tung ra các gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có từ các chính trị gia; ngân hàng trung ương quyết định bơm tiền với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết để tài trợ cho chi tiêu; sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu thực (điều chỉnh theo lạm phát) tại Mỹ đã rơi xuống mức âm và đồng Dollar Mỹ nhanh chóng giảm mạnh so với các đồng Euro và Yên Nhật; đồng thời căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng.
Nếu kết hợp tất cả những điều trên lại với nhau, chúng ta thậm chí còn phải lo ngại về một vấn đề khác đó là Lạm phát đình trệ (stagflation) – xảy ra trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế chậm chạm nhưng lạm phát tăng nhanh chóng có thể phá hỏng giá trị của các khoản đầu tư có thu nhập cố định. Điều này xảy ra có thể có tác động rất lớn tới hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới.
Tại Mỹ, tình hình dịch bệnh vẫn đang lây lan và sự phục hồi kinh tế đang bị đình trệ, cuộc tranh luận này đang ngày càng lớn hơn. Kỳ vọng của giới đầu tư về lạm phát trong thập kỷ tới (được thể hiện qua một chỉ số thị trường được gọi là “breakevens”) đã tăng cao hơn trong bốn tháng qua sau đợt sụt giảm vào tháng Ba. Tính đến thứ Sáu vừa qua, lạm phát kỳ vọng đã đạt 1.5%. Mặc dù vẫn ở dưới mức trước đại dịch và dưới mức mục tiêu 2.0% của Fed, nhưng nó đang cao hơn khoảng gần 1% so với mức lợi suất Trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm hiện nay.
Động lực chính đằng sau đà tăng mới nhất của Vàng vừa đó là “việc lãi suất thực tiếp tục giảm mạnh và chưa hề có dấu hiệu tạo đáy trong thời gian gần”, bình luận từ Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của tập đoàn Oanda lừng lẫy. Vàng cũng đang thu hút giới đầu tư bởi “lo ngại rằng lạm phát đình trệ sẽ xảy ra và có thể kích hoạt nhiều biện pháp nới lỏng hơn từ Fed”.
Thị trường trái phiếu của Hoa Kỳ cũng là một động lực đẩy cơn sốt vàng lên một tầm cao mới, điều này có thể thấy rõ qua việc lợi suất Kho bạc điều chỉnh lạm phát đang ở mức âm khiến hành động phòng ngừa rủi ro này càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Họ muốn tìm kiếm những tài sản trú ẩn không bị giảm giá trị.
Động lực khác dành cho giá vàng đến từ gói cho vay Main Street. Nắm giữ vàng thông qua các quỹ ETF liên quan tới vàng do nhu cầu từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã thiết lập một chuỗi tăng 18 tuần liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ năm 2006. Trong khi đó, vàng đã có mức tăng hàng tuần thứ bảy liên tiếp và các nhà phân tích không mong đợi đà tăng này sớm kết thúc.
“Khi lãi suất bằng ngưỡng 0 hoặc gần bằng mức đó, thì vàng là một phương tiện hấp dẫn để nắm giữ bởi bạn không phải lo lắng về việc không nhận được một chút sinh lời nào từ kim loại này”, bình luận từ Mark Mobius, đồng sáng lập của quỹ Mobius và các cộng sự. “Tôi sẽ mua ngay bây giờ và tiếp tục mua”, ông tiếp tục phát biểu trên Bloomberg TV.
Các nhà phân tích đã dự đoán giá vàng tăng mạnh trong vài tháng tới. Thậm chí trong tháng 4, Bank of America đã nâng mục tiêu giá vàng trong 18 tháng lên con số $3,000/oz (Ba nghìn Dollar Mỹ cho một ounce vàng).
“Đại dịch toàn cầu đang là bàn đạp thuận lợi và bền vững cho giá vàng tăng”, bình luận từ Francisco Blanch, trưởng phòng nghiên cứu phái sinh hàng hóa tại Bank of America vào thứ 6 vừa qua. Ông Blanch còn trích dẫn thêm các tác động bao gồm lãi suất thực giảm, gia tăng bất bình đẳng thu nhập và lợi suất giảm. “Ngoài ra, khi dữ liệu GDP của Trung Quốc nhanh chóng hội tụ bằng với ngưỡng hiện tại của Mỹ (điều này có thể được hỗ trợ bởi khoảng cách ngày càng lớn về số ca nhiễm mới COVID-19), một sự thay đổi địa chính trị có thể mở ra, và điều này thậm chí khiến viễn cảnh giá mục tiêu cho vàng lên ngưỡng $3,000/oz mà chúng tôi đặt ra trong 18 tháng tới hoàn toàn khả thi”, ông Blanch cho biết thêm.
Ngân hàng Bank of America đã đưa ra những dự đoán rất táo bạo sau khi giá vàng ban đầu giảm vào tháng 3 khi các nhà đầu tư buộc phải dùng lượng tiền mặt để đảm bảo thanh khoản cho các khoản lỗ có thể được tạo ra từ các tài sản rủi ro. Giá đã nhanh chóng phục hồi sau đợt cắt giảm lãi suất bất ngờ từ Fed và các dấu hiệu cũng cho thấy để giảm bớt hậu quả do COVID-19 mang lại, hàng loạt những nỗ lực kích thích tài khóa lớn từ chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu được tung ra.
Đây không phải là lần đầu tiên vàng tăng do các chương trình kích thích của ngân hàng trung ương. Từ tháng 12 năm 2008 đến tháng 6 năm 2011, Fed đã mua vào tới 2.3 nghìn tỷ Dollar nợ và giữ chi phí vay gần bằng không phần trăm trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, đưa giá vàng thỏi lúc đó lên mức kỷ lục $1,921.17/oz vào tháng 9 năm 2011.
“Thành thật mà nói ở thời điểm này, tôi chưa hề thấy lý do nào khiến giá vàng phải chấm dứt đà tăng ít nhất là cho đến khi cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ vào tháng 11”, ông Nabavi nói.
Theo Dự báo Tiền tệ