Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy ngày 27/5 đã đạt được thỏa thuận dự kiến nhằm nâng trần nợ 31.400 tỷ USD của chính phủ liên bang, và điều này có thể giúp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ cũng như bất ổn về kinh tế.
“Tôi vừa điện đàm với Tổng thống. Sau khi ông ấy lãng phí thời gian và từ chối đàm phán trong nhiều tháng, chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ phù hợp với người dân Mỹ”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy viết trên Twitter tối 27/5.
Bước đột phá đến sau thời gian dài bế tắc khi cả hai bên đều cứng rắn trong các cuộc đàm phán trước hạn chót 5/6, ngày Bộ Tài chính Mỹ dự báo nước này sẽ vỡ nợ.
Ông Biden và ông McCarthy đã điện đàm trong 90 phút để đi tới thỏa thuận sơ bộ. Nội dung chi tiết chưa được hoàn thiện nhưng thỏa thuận sẽ bao gồm nới trần nợ trong hai năm, hạn chế chi tiêu trong thời gian đó, thu hồi quỹ Covid chưa sử dụng, tăng tốc cấp phép một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện với các chương trình dành cho người nghèo.
Nhưng thỏa thuận này vẫn còn phải đối mặt với một con đường khó khăn, đó là được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi chính phủ hết tiền để trả nợ vào đầu tháng 6/2023.
Thoả thuận vừa đạt được bao gồm nội dung cắt giảm chi tiêu, nhưng có khả năng sẽ khiến một số nghị sỹ “nổi đoá” khi họ xem kỹ hơn các nhượng bộ. Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Biden nói ông tin tưởng thoả thuận sẽ được Quốc hội phê chuẩn và được chuyển tới bàn làm việc của ông để ông ký thành luật.
Ông McCarthy cũng bày tỏ sự tin tưởng khi phát biểu từ toà nhà Quốc hội ở Đồi Capitol. “Cuối cùng, mọi người đã có thể cùng nhau vượt qua trở ngại”, ông nói.
Những ngày sắp tới sẽ quyết định liệu Washington có thực sự thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ trong gang tấc, như đã làm được nhiều lần trước đây, hay “cơn ác mộng” Mỹ vỡ nợ sẽ trở thành hiện thực nếu thoả thuận không được Quốc hội nước này phê chuẩn và nền kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.
Một vụ vỡ nợ của Mỹ có thể khiến thị trường tài chính nước này đảo lộn, hàng triệu việc làm bị xoá sổ, dòng chảy tín dụng bị thắt lại, thất nghiệp tăng vọt, và tài sản của các hộ gia đình “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD. Trong kịch bản đó, thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá 24.000 tỷ USD sẽ hứng một cú sốc nghiêm trọng. Ngoài ra, người nhận lương hưu và các đối tượng được hưởng chế độ phúc lợi khác ở Mỹ đã lên kế hoạch cho khả năng việc thanh toán các khoản chi trả bị gián đoạn.
Ông McCarthy và các nhà đàm phán của ông miêu tả thoả thuận đạt được như một thắng lợi của Đảng Cộng hoà, nhưng thoả thuận này thực chất không có được những khoản cắt giảm chi tiêu mạnh tay như mong muốn của phe Cộng hoà.
Phát biểu trước các nhà báo, ông McCarthy nói rằng thoả thuận “không có tất cả mọi thứ mà mọi người muốn”, nhưng đó là điều đã được lường trước trong bối cảnh nền chính trị có sự phân cực lớn như hiện nay. Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi nội bộ với các nghị sỹ Cộng hoà, ông nói các nghị sỹ Dân chủ “không có được bất cứ thứ gì” mà họ muốn.
Trọng tâm của sự nhượng bộ trong thoả thuận này là một kế hoạch ngân sách 2 năm, trong đó về cơ bản giữ nguyên mức chi tiêu cho năm 2024 nhưng bao gồm tăng chi tiêu cho quốc phòng, và ngân sách năm 2025 chỉ được tăng không quá 1%. Cùng với đó, trần nợ liên bang 31.400 tỷ USD sẽ được đình chỉ trong 2 năm, theo đó đẩy vấn đề trần nợ qua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo. Việc đình chỉ trần nợ cho phép Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục phát hành trái phiếu kho bạc để vay nợ, trang trải các hoá đơn.
Thoả thuận này sẽ cần tới sự ủng hộ của cả hai đảng để được thông qua trước thời hạn 5/6. Trong khi đó, các nghị sỹ Mỹ hiện đang trong kỳ nghỉ Ngày Tưởng niệm (Memorial Day) và sẽ chỉ trở lại làm việc vào ngày thứ Ba tuần này.
Lần gần nhất Mỹ trên bờ vực vỡ nợ là vào năm 2011, khi tổng thống và Thượng viện cũng thuộc đảng Dân chủ và Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Quốc hội cuối cùng ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ, nhưng nền kinh tế phải chịu những cú sốc nặng nề, trong đó có việc Mỹ lần đầu tiên bị hạ xếp hạng tín nhiệm và một đợt bán tháo cổ phiếu lớn.
Giavang.net