(GVNET) – Tuần giao dịch đầu tiên sau nghỉ Tết, thị trường vàng trong nước trồi sụt thất thường bởi các yếu tố nội – ngoại tác động. Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới có tuần tăng thứ 6 liên tiếp nhưng giá chốt tuần đang thấp hơn đỉnh kỷ lục gần 30 USD.
Vàng trong nước và tuần giao dịch có ngày vía Thần Tài
1. Vàng miếng SJC
Khởi động phiên đầu tuần 3/2 và cũng là phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên Đán, thị trường vàng miếng tăng mạnh với mức điều chỉnh lên tới 1-1,4 triệu đồng mỗi lượng, đưa giá mua lên 87,8 triệu đồng và giá bán đạt 89,8 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán có khoảng cách 2 triệu đồng.
Sang phiên 4/2, diễn biến điều chỉnh của vàng miếng có sự đối lập giữa chiều mua và chiều bán, khiến chênh lệch mua – bán giãn rộng. Cụ thể, với nhịp giảm 200.000 đồng/lượng, vàng miếng mua vào chốt phiên này ở mức 87,6 triệu đồng. Trong khi đó, với nhịp tăng 300.000 đồng, vàng miếng bán ra chốt phiên ở mức 90,1 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán vọt lên 2,5 triệu đồng.
Sang phiên 5/2, đà tăng đồng thuận ở hai đầu giá nhưng biên độ tăng vẫn có sự chênh lệch. Cụ thể, với mức tăng 400.000 đồng đưa giá mua lên 88 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán tăng tới 900.000 đồng lên mốc 91 triệu đồng, chênh lệch mua – bán lại tăng, lên ngưỡng 3 triệu đồng.
Sang phiên 6/2 (tức 9/1 Âm lịch) – 1 ngày trước vía Thần Tài, vàng miếng bất ngờ giảm mạnh với mức điều chỉnh lên tới 1,6 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,4 triệu đồng/lượng chiều bán, giao dịch mua – bán hạ về 86,4 – 89,6 triệu đồng, khoảng cách giữa hai đầu giá tăng lên ngưỡng 3,2 triệu đồng.
Diễn biến này hoàn toàn khác với các năm trước, khi giá vàng trong nước thường tăng mạnh trước ngày vía Thần Tài do lực cầu mạnh từ phía người dân. Nguyên nhân của đà giảm này là do giá vàng lên cao, nhiều người tranh thủ chốt lời. Dù lực cầu cũng không hề nhỏ nhưng những người mua vàng với tâm lý cầu may nên chỉ mua với số lượng ít, còn người đem vàng đi bán chốt lời thì tính từ vài lượng đến vài chục lượng, do đó các nhà vàng phải điều chỉnh giá để tránh rủi ro cho doanh nghiệp.
Tiếp theo, sang phiên 7/2 (tức ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), khi nguồn cung từ phía người dân hạ nhiệt và cầu thì vẫn cao, giá vàng lại bật tăng trong ngày này với đà tăng ghi nhận đạt 400.000 đồng/lượng chiều mua và 700.000 đồng/lượng chiều bán, đưa giao dịch lên 86,8 – 90,3 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán tiếp đà tăng, lên 3,5 triệu đồng.
Sang phiên cuối tuần 8/2, giá vàng miếng đồng loạt đứng yên, trong khi các năm trước đây giá vàng thường hạ nhiệt sau ngày vía Thần Tài.
Diễn biến này khá bất ngờ những cũng không phải là bất hợp lý. Các năm trước, thời điểm vía Thần Tài, giá vàng trong nước thường tăng mạnh và đà tăng vượt xa diễn biến của giá vàng thế giới, đẩy chênh lệch giữa hai thị trường lên cao. Tuy nhiên, vía Thần Tài năm nay, chênh lệch giữa hai thị trường luôn duy trì ở mức rất thấp, thậm chí trong phiên giảm mạnh ngày 6/2, vàng trong nước có thời điểm ghi nhận mức giao dịch thấp hơn giá vàng thế giới vài trăm nghìn đồng. Do đó, việc giá vàng miếng đi ngang sau ngày vía Thần Tài thật ra cũng không hẳn là một điều bất ngờ.
Tổng hợp lại sau một tuần đầy biến động, thị trường vàng miếng có diễn biến điều chỉnh thiếu cân xứng giữa chiều mua và chiều bán.
Cụ thể, tại SJC Hồ Chí Minh, vàng miếng chốt phiên cuối tuần 8/2 với giá mua ở mức 86,8 triệu đồng, giá bán đạt 90,3 triệu đồng/lượng. So với giá chốt cuối tuần liền trước, chiều mua không thay đổi trong khi chiều bán tăng vọt 1,5 triệu đồng mỗi lượng.
Cả tuần, vàng miếng tại Bảo Tín Minh Châu và DOJI cùng ghi nhận nhịp giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua nhưng lại tăng 1,4 triệu đồng/lượng chiều bán so với cuối tuần trước, giao dịch mua – bán là 86,8 – 90,3 triệu đồng/lượng.
Tại Phú Quý, vàng miếng mua vào tăng 400.000 đồng, bán ra tăng 1,4 triệu đồng so với cuối tuần qua, đưa giao dịch lên ngang bằng thị trường chung tại 86,8 – 90,3 triệu đồng/lượng.
![](https://giavang.net/wp-content/uploads/2025/02/ximage-51.png.pagespeed.ic.oLJ0FqtlV3.png)
Tại các doanh nghiệp, chênh lệc mua – bán của vàng miếng đang neo ở ngưỡng 3,5 triệu đồng, tăng so với mức 2 đến 2,5 triệu đồng cuối tuần trước.
2. Vàng nhẫn tròn trơn 9999
Tương tự mặt hàng vàng miếng, giá vàng nhẫn trong tuần qua cũng ghi nhận các phiên đầy biến động với xu hướng tăng/giảm đan xen.
Trong phiên cuối tuần 8/2 – một ngày sau vía Thần Tài, vàng nhẫn cũng đồng loạt đi ngang và chốt tuần không quá 90,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn gần 1 triệu đồng so với đỉnh cao nhất mọi thời đại 91,2 triệu đồng xác lập trong phiên sáng ngày 6/2/2025.
Chốt tuần, vàng nhẫn SJC neo giao dịch mua – bán ở mức 86,8 – 89,8 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng chiều mua và 1,8 triệu đồng/lượng chiều bán so với cuối tuần trước.
Tại Bảo Tín Minh Châu, vàng nhẫn mua vào tăng 200.000 đồng, bán ra tăng 1,35 triệu đồng/lượng so với giá chốt cuối tuần qua, đưa giao dịch lên 86,8 – 90,25 triệu đồng mỗi lượng.
Nhẫn Phú Quý ghi nhận đà tăng 600.000 đồng/lượng chiều mua và 2,1 triệu đồng/lượng chiều bán so với cuối tuần trước, giao dịch đạt mức 86,7 – 90,2 triệu đồng/lượng.
Tại DOJI, giá mua vàng nhẫn đi ngang trong khi giá bán tăng vọt 2,2 triệu đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần liền trước, giao dịch đạt 86,6 – 90,3 triệu đồng/lượng.
![](https://giavang.net/wp-content/uploads/2025/02/ximage-54.png.pagespeed.ic.oYGEORHBNO.png)
Chênh lệch mua – bán của vàng nhẫn cũng tăng vọt, hiện trong khoảng 3-3,7 triệu đồng, từ mức 1,5-2,2 triệu đồng cuối tuần trước.
Với mức giá 90,3 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn và vàng miếng đều đang cao hơn giá vàng thế giới 779.000 đồng, giảm xấp xỉ 500.000 đồng so với cuối tuần trước đó.
Giá vàng thế giới mất gần 30 USD từ đỉnh
Chốt tuần qua, vàng thế giới dừng chân ở ngưỡng 2860 USD, giá sau quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.680 VND/USD) đạt 89,52 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), tăng xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng so với giá chốt cuối tuần trước.
Trong tuần vừa qua, giá vàng thế giới đã liên tục thiết lập các kỷ lục mới và mức cao nhất mọi thời đại đến hiện tại là 2886 USD/ounce đạt được hôm 7/2.
![](https://giavang.net/wp-content/uploads/2025/02/ximage-52.png.pagespeed.ic.c0YarFBv2X.png)
Chốt tuần ở ngưỡng 2660 USD, giá vàng đã mất gần 30 USD so với đỉnh nhưng vẫn tăng gần 2% so với cuối tuần trước và hoàn tất tuần tăng thứ 6 liên tiếp trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, thúc đẩy nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư trên toàn cầu.
Giám đốc giao dịch kim loại tại quỹ High Ridge Futures, David Meger, cho biết, trọng tâm chính của thị trường vàng hiện nay vẫn là sự bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan của Tổng thống Trump.
Hôm thứ Hai, ông Trump áp thuế quan 10% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Ông cũng áp thuế 25% lên hàng hóa Canada và Mexico những sau đó trì hoãn 1 tháng việc áp thuế này. Ngày thứ Sáu, ông lại tuyên bố có ý định áp thuế quan có đi có lại đối với các đối tác thương mại của Mỹ. Điều này có nghĩa là mức thuế quan của Mỹ sẽ tăng lên để cân bằng với mức thuế mà các nước khác áp lên hàng hóa Mỹ.
“Tôi sẽ công bố thương mại có đi có lại vào tuần tới, để chúng tôi được đối xử bình đẳng với các quốc gia khác. Chúng tôi sẽ có một cuộc họp báo và đưa ra kế hoạch một cách tương đối đơn giản”, ông Trump nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, người đang có chuyến thăm Mỹ.
Tuy nhiên, những dữ liệu kinh tế của Mỹ đang hạn chế đà tăng của giá vàng. Báo cáo niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy người tiêu dùng tham gia cuộc khảo sát kỳ vọng rằng tốc độ lạm phát ở Mỹ trong 1 năm tới sẽ tăng lên 4,3% – cao hơn 1 điểm phần trăm so với tháng trước và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2023. Báo cáo việc làm tháng 1 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4% từ mức 4,1% của tháng trước do số người tham gia tìm việc giảm xuống, dẫn tới tiền lương theo giờ tăng mạnh hơn dự báo.
Những dữ liệu này dẫn tới mối lo về sự dai dẳng của lạm phát, đồng nghĩa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ khó giảm nhanh lãi suất, nhất là khi việc áp thuế quan cũng có thể gây hiệu ứng tăng lạm phát. Môi trường lãi suất cao hơn lâu hơn sẽ không có lợi cho một tài sản không mang lãi suất như vàng.
Phát biểu tuần này, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, nói rằng nền kinh tế còn mạnh – với việc làm toàn dụng và lạm phát giảm – tạo điều kiện cho Fed hạ lãi suất, nhưng mối bấp bênh liên quan đến thuế quan đòi hỏi sự thận trọng khi nới lỏng.
Trong một diễn biến khác liên quan tới thị trường vàng, cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc cho biết nước này sẽ cho phép một số quỹ bảo hiểm mua vàng như một cách phân bổ tài sản trong trung và dài hạn trong một dự án thử nghiệm.
Dữ liệu kinh tế cần chú ý vào tuần tới: Thứ Ba: Chủ tịch Fed Jerome Powell ra làm chứng trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện; thứ Tư: CPI của Hoa Kỳ, Chủ tịch Fed Jerome Powell ra làm chứng trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện; thứ Năm: PPI của Hoa Kỳ, đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Hoa Kỳ; thứ Sáu: Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ.
Giavang.net