(GVNET) – Tóm tắt
- Thị trường vàng miếng kết thúc 3 tuần bán vàng bình ổn. Sự điều chỉnh tập trung hết trong tuần đầu tiên.
- Vàng thế giới giảm trong tuần này, chênh lệch với vàng nhẫn tăng mạnh trong khi giảm nhẹ mức chênh với vàng miếng.
- Vàng nhẫn tích cực nhất với xu hướng tăng dù có phiên cuối tuần giảm mạnh.
Nội dung chi tiết
Vàng thế giới chốt tuần ở ngưỡng 2.321 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.900 VND/USD), vàng thế giới đứng tại 73,29 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), giảm hơn 100.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Giá vàng đạt đỉnh của tuần tại 2.368 USD trong chiều ngày 21/6 (giờ Việt Nam), nhưng lại giảm mạnh đêm qua và kết tuần tại ngưỡng 2321 USD/ounce – giảm 0,5% so với mở cửa ngày đầu tuần 17/6.
Số liệu kinh tế Mỹ công bố ngày thứ Sáu cho thấy doanh số bán nhà đã qua sử dụng ở nước này giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 5 vừa qua do giá nhà cao kỷ lục và lãi suất vay thế chấp nhà tăng cao khiến người mua nhà ngần ngại. Ngoài ra, báo cáo của công ty nghiên cứu S&P Global cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp tháng 5 của Mỹ tăng nhẹ lên mức 54,6 điểm, cao nhất kể từ tháng 4/2022, từ mức 54,5 điểm của tháng 5. Mức điểm trên 50 cho thấy sự tăng trưởng.
Sau các báo cáo này, kỳ vọng lãi suất Fed không có nhiều biến động. Thị trường tiếp tục đặt cược khả năng khoảng 60% ngân hàng trung ương này bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9.
Tuy nhiên, cả lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đều tăng trong phiên này, phản ánh mối lo của một bộ phận nhà đầu tư về khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Những diễn biến này không có lợi cho giá vàng, một tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng USD.
Lợi suất trái phiếu trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên mức 4,255%, ghi nhận tuần tăng đầu tiên sau 2 tuần giảm liên tiếp. Dollar Index tăng 0,23%, chốt ở mức 105,83 điểm, đạt mức tăng gần 0,3% trong tuần này.
Theo nhà phân tích Jim Wyckoff, thị trường kim loại quý đang tìm hướng đi do thiếu những thông tin cơ bản mới. Nhà phân tích này cho rằng giá vàng có thể dao động trong khoảng từ 2.300-2.400 USD/ounce cho đến khi thị trường nhận được chất xúc tác quan trọng và có thể phải chờ sang tháng 7.
Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tạm dừng mua vàng trong tháng 5/2024 tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, cuộc khảo sát thường niên các ngân hàng trung ương do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) thực hiện cho thấy hầu hết mọi người dự báo dự trữ vàng sẽ tăng trong vòng 12 tháng.
Vàng miếng SJC sau 3 tuần bán vàng bình ổn
Trong tuần đầu tiên bán vàng bình ổn (tuần từ 3-8/6/2024), giá bán vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp và 4 ngân hàng thương mại Nhà nước ghi nhận mức giảm 4 triệu đồng/lượng – từ 79,98 triệu đồng xuống 76,98 triệu đồng/lượng
Sang tuần thứ 2 (từ 10-15/6/2024), vàng miếng SJC giữ nguyên mức giá 76,98 triệu đồng/lượng trong cả tuần khi Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh giá bán trực tiếp.
Sang tuần thứ 3 (từ 17-22/6/2024), mức giá bán trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định tại 75,98 triệu đồng/lượng, giá bán vàng miếng trên thị trường theo đó cũng giữ nguyên tại 76,98 triệu đồng/lượng trong cả tuần này.
Đứng ngoài mọi biến động của giá vàng thế giới, vàng miếng SJC duy trì ổn định giá bán tại 76,98 triệu đồng/lượng – thấp nhất kể từ ngày 30/1/2024. Mức giá này của SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 3,7 triệu đồng, tăng mạnh so với mức 2,5 triệu đồng trong ngày hôm qua, nhưng chỉ tăng nhẹ 100.000 đồng so với cuối tuần trước.
Sau 2 hơn tuần bán vàng bình ổn theo hình thức trực tiếp, đến ngày 20/6, cả 4 ngân hàng và Công ty SJC đều chuyển sang nhận đăng ký mua vàng miếng trực tuyến. Việc này sẽ giúp khách hàng có nhu cầu mua vàng miếng không phải xếp hàng chờ đợi lấy số tại các điểm bán.
Tại cuộc họp trong ngày 21/6/2024 với các doanh nghiệp kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sau 3 tuần bán vàng theo hình thức mới qua 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và công ty SJC, hiện giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng 1 lượng, đã thu hẹp đáng kể so với mức gần 20 triệu đồng thời gian trước. Rõ ràng là các biện pháp can thiệp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu có hiệu quả, thu hẹp được chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định có đủ quyết tâm, nguồn lực, công cụ để thực hiện các giải pháp phù hợp trước mắt và lâu dài để thị trường vàng phát triển ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Biến động của thị trường vàng nhẫn trong tuần này
Trong phiên 21/6, khi giá vàng thế giới đạt đỉnh gần nửa tháng – trên 2360 USD, vàng nhẫn trong nước cũng bật tăng mạnh mẽ lên đỉnh tháng 6 tại 75,8 triệu đồng/lượng. Sang phiên cuối tuần 22/6, sau khi giá vàng thế giới giảm mạnh về ngưỡng 2320 USD, giá vàng nhẫn quay đầu giảm khoảng nửa triệu đồng/lượng, nhưng vẫn ghi nhận xu hướng tăng trong cả tuần.
Kết thúc phiên 22/6, vàng nhẫn mua vào tại các đơn vị neo trong khoảng 73,75-74,70 triệu đồng/lượng, giá bán khoảng 75,35-76,05 triệu đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên đầu tuần 17/6, chiều mua vào tăng khoảng 300-600.000 đồng mỗi lượng, giá bán tăng khoảng 300-700.000 đồng/lượng tùy đơn vị.
Với chênh lệch mua – bán khoảng 1,3-1,6 triệu đồng, dù giá vàng tăng thì nhà đầu tư vẫn chưa thể có lãi nếu mua vàng nhẫn trong tuần này. Điều này cho thấy sự khó khăn trong việc kiếm lời với chiến lược đầu tư ngắn hạn.
Với mức giá 76,05 triệu đồng, vàng nhẫn đang đắt hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 2,8 triệu đồng, tăng 700.000 đồng so với cuối tuần trước.
SJC hiện giữ mức chênh giữa vàng miếng và vàng nhẫn tại 1,6 triệu đồng, giảm 400.000 đồng so với mức 2 triệu đồng cuối tuần trước.
Giavang.net