Hai mặt hàng kim loại quý là bạc và bạch kim đều giảm do áp lực đến từ đồng USD và các thị trường đầu tư rủi ro. Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc giảm xuống dưới 600 nhân dân tệ (93,75 USD)/tấn, mức thấp nhất trong gần một năm do nguồn cung yếu và triển vọng nhu cầu kém tích cực.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/11, mặc dù sắc đỏ chiếm ưu thế nhưng mức tăng mạnh 1,43% của nhóm năng lượng đã giúp cho chỉ số MXV-Index tiếp tục tăng nhẹ 0,14% lên mức 2.397 điểm. Đây cũng là phiên phục hồi thứ 2 của chỉ số này sau khi đã giảm liên tiếp trong giai đoạn cuối tháng 10.
Tương tự như đà hồi phục của chỉ số MXV-Index, giá trị giao dịch toàn Sở tiếp tục tăng nhẹ lền mức xấp xỉ 3.600 tỷ đồng, cao hơn gần 3% so với phiên đầu tuần. Tỉ trọng của các nhóm hầu như không có sự thay đổi đáng kể, ngoài việc giá trị giao dịch nhóm năng lượng vượt trở lại mốc 1.000 tỷ.
Các kênh đầu tư rủi ro lên ngôi, tạo sức ép lên giá các mặt hàng kim loại quý
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/11, lực bán dồn dập khiến cho các mặt hàng kim loại đều đóng cửa trong sắc đỏ. Cả hai mặt hàng kim loại quý là bạc và bạch kim đều giảm do áp lực đến từ đồng USD và các thị trường đầu tư rủi ro. Giá bạc giảm 2,4% còn 23,5 USD/ounce, giá bạch kim giảm gần 3% còn 1.040 USD/ounce.
Chỉ số Dollar Index hồi phục trở lại mức 94 điểm trong thời điểm diễn ra cuộc họp lãi suất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang, phản ánh việc các nhà đầu tư đang khá tin tưởng vào khả năng FED sẽ bắt đầu giảm mua tài sản trong năm nay.
Bên cạnh đó, cả ba chỉ số thước đo của thị trường chứng khoán Mỹ là S&P 500, Dow Jones, Nasdaq đều lập đỉnh mới phiên thứ 3 liên tiếp, và đồng Bitcoin cũng quay trở lại mức 63.000 USD làm suy yếu vai trò “bảo hiểm biến động” của các mặt hàng kim loại quý.
Cũng trong xu hướng suy yếu này, giá đồng giảm 0,63% còn 4,37 USD/pound nhưng vẫn tích cực hơn khi giá vẫn giữ được khoảng đi ngang trong biên độ 4,34 – 4,44 USD/pound. Thị trường đang dần mất đi động lực khi mà không có chất xúc tác nào đủ mạnh có thể kiến giá phục hồi trở lại, tuy nhiên, các lo ngại về nguồn cung ở hai nước sản xuất lớn là Chile và Peru vẫn đang hỗ trợ rất tốt để giá không giảm xuống các mức thấp hơn.
Giá các mặt hàng kim loại khác trên Sở LME như nhôm, chì, kẽm và thiếc cũng không tránh khỏi áp lực bán mạnh khi mà thị trường không còn quá lo lắng về mức tồn kho giảm mạnh trên các Sở. Đáng chú ý, giá đồng LME đi ngược thị trường với mức tăng nhẹ 0,1% lên 9.514 USD/tấn.
Trên thị trường giao ngay Thượng Hải, giá đồng giao dịch khoảng 70.870 – 71.430 nhân dân tệ/tấn, giảm mạnh 425 nhân dân tệ so với ngày hôm trước. Ngược lại, giá nhôm khoảng 20.230 – 20.270 nhân dân tệ/tấn và giá nikel khoảng 145.650 – 147.050 nhân dân tệ/tấn, tăng tương ứng 60 và 400 nhân dân tệ/tấn so với hôm trước.
Giá sắt thép quốc tế tiếp tục lao dốc
Giá quặng sắt tiếp tục giảm mạnh 6% xuống 94 USD/tấn do thị trường vẫn chịu áp lực từ triển vọng nhu cầu tiêu thụ kém.
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc giảm xuống dưới 600 nhân dân tệ (93,75 USD)/tấn, mức thấp nhất trong gần một năm do nguồn cung yếu và triển vọng nhu cầu kém tích cực.
Các lô hàng quặng sắt ở Úc và Brazil đã ổn định ở mức tương đối cao. Xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc của hai nước tăng gần một triệu tấn lên 23,96 triệu tấn, tính đến ngày 1/11. Vào hôm qua, tồn kho quặng sắt tại 45 cảng ở Trung Quốc đạt 146,5 triệu tấn trong tuần này, tăng 4,05 triệu tấn so với tuần trước đó.
Tuy nhiên, nhu cầu nguyên liệu thô vẫn ở mức thấp do việc kiểm soát sản xuất thép và tiêu thụ ở hạ nguồn khá chậm. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1 được giao dịch tích cực nhất trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên giảm mạnh 10% xuống 565,5 nhân dân tệ/tấn, ghi nhận mức thấp nhất kể từ ngày 18/11/2020.
Cũng trong hôm qua, giá quặng sắt giao ngay (hàm lượng sắt 62%) cho Trung Quốc giảm 9,5 USD xuống 107 USD/tấn. Thép cuộn cán nóng giảm 6,6% xuống 4.601 nhân dân tệ/tấn và hợp đồng kỳ hạn của thép không gỉ giảm 1,2% xuống 18.680 nhân dân tệ/tấn.
Ở thị trường Việt Nam, do dịch COVID-19 kéo dài nên nhiều công trình xây dựng tạm thời hoãn lại, khiến việc sản xuất và bán hàng thép nói chung gặp nhiều bất lợi. Tuy nhiên, việc tiêm chủng vaccine đang dần bao phủ cả nước sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất được hồi phục trong những tháng cuối năm. Lực lượng lao động có thể yên tâm hơn khi trở lại làm việc. Do đó, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nhận định giá thép nội địa có thể không biến động nhiều trong thời điểm này.
Theo NDH