Thị trường năng lượng và phố Wall đều tăng trong tháng 7 nhưng rõ ràng đà tăng đã phải chống chọi với rất nhiều biến động và điều chỉnh.
Phố Wall tăng khá tốt trong tháng 7, nhà đầu tư tất toán lệnh giao dịch trong phiên cuối
Chốt phiên giao dịch ngày 31/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 114,67 điểm, tương đương 0,44%, lên 26.428,32 điểm sau khi rớt 300 điểm xuống mức đáy trong phiên. S&P 500 tăng 24,9 điểm, tương đương 0,77%, lên 3.271,12 điểm trong đó năng lượng là lĩnh vực diễn biến kém nhất.
Cùng chiều, Nasdaq tiến 157,46 điểm, tương đương 1,49%, lên 10.745,28 điểm.
Apple đã có một quý bùng nổ, đưa cổ phiếu bứt phá 10,4% lên mức cao mọi thời đại mới. Trong khi đó, cổ phiếu Amazon vọt 3,7% khi công ty chứng kiến doanh số tăng vọt trong đại dịch Covid-19. Cổ phiếu Facebook tăng 8,2% khi gã khổng lồ truyền thông xã hội công bố doanh thu tăng trưởng 11% ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh chững lại.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 31/7 là 11,01 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 10,53 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Chốt tuần, Dow Jones giảm 0,15%, S&P 500 tăng 1,73% còn Nasdaq tăng 3,69%.
Chốt tháng 7, Dow Jones tăng 2,39%, S&P 500 tăng 5,52% còn Nasdaq tăng 6,83%.
Thị trường năng lượng đi lên nhưng tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh trong tháng 8
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex tiến 35 xu (tương đương 0,9%) lên 40,27 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn cộng 27 xu (tương đương 0,6%) lên 43,52 USD/thùng.
Trong tháng 7, dầu WTI đã tăng 2,6%, còn dầu Brent vọt hơn 5%.
Keshav Lohiya, CEO của công ty tư vấn Oilytics cho biết, kích thích toàn cầu và đồng đô la yếu sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu vì trong lịch sử dầu được coi là một hàng rào chống lạm phát.
Trên toàn cầu, triển vọng kinh tế đang sụt giảm khi mà sự gia tăng số các ca nhiễm Covid-19 mới làm tăng nguy cơ phong tỏa trở lại và đe dọa bất kỳ sự phục hồi nào, theo các cuộc thăm dò của Reuters của hơn 500 nhà kinh tế.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh được gọi là OPEC+, cùng nhau lên kế hoạch tăng sản lượng từ thứ Bảy (1/8), thêm khoảng 1,5 triệu thùng/ngày vào nguồn cung toàn cầu, sau khi cắt giảm sản lượng sau đại dịch.
Giavang.net tổng hợp