23 C
Hanoi
10/10/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Tham vọng hơn 4.000 tỷ USD của Tổng thống Biden và ván cược với tương lai nước Mỹ

Tổng thống Biden đã đưa ra nhiều quyết định táo bạo trong những ngày đầu lên nắm quyền với tham vọng hồi sinh nước Mỹ và đánh bại Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh.

Ngày 30/4 tới sẽ là dấu mốc lớn đánh dấu 100 ngày đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền. Trong quãng thời gian này, ông Biden đã đưa ra nhiều quyết định táo bạo, thể hiện tham vọng lớn của ông muốn hồi sinh nước Mỹ, đồng thời nâng cao vị thế của Washington trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hồi tháng 2/2021. Ảnh: AP.

Được ăn cả, ngã về không

Chuyên gia Frederick Kempe, Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) – một tổ chức nghiên cứu của Mỹ có sức ảnh hưởng về các vấn vấn đề toàn cầu nhận xét rằng, sự táo bạo này có thể được đo lường bằng đồ thị các con số: hơn 4.000 tỷ USD và những phép tính mà nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng sẽ tạo ra để giúp nước Mỹ phục hồi sau đại dịch, bao gồm tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và một loạt các dự án đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng quốc gia.

Ông Frederick Kempe cho rằng, trong lịch sử nước Mỹ, chưa có bất cứ vị tổng thống nào liên hệ chặt chẽ các khoản đầu tư trong nước với vị thế toàn cầu của Mỹ nhưng hiện giờ, Tổng thống Biden đang hành động dựa trên niềm tin này.

Phát biểu với báo chí, ông Biden nói: “Bạn nghĩ Trung Quốc đang chờ đợi để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hoặc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ư? Tôi cam đoan rằng họ không chờ đợi. Nhưng họ đang nhân cơ hội nước Mỹ đang tiến quá chậm, quá hạn chế và có quá nhiều chia rẽ để theo kịp tốc độ. Chúng ta phải chứng minh cho cả thế giới thấy rằng nền dân chủ của chúng ta đang hoạt động, rằng chúng ta có thể cùng nhau tạo ra những điều lớn lao. Đó là nước Mỹ”.

Các quan chức của chính quyền Tổng thống Biden, cũng là những người kỳ cựu trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama cho biết, họ đang hành động dựa trên một số bài học, đó là: đừng quá bị phân tâm bởi những lời chỉ trích trên truyền hình về kế hoạch đề ra, đừng bị tác động bởi những lời chỉ trích của các nhà kinh tế, đừng trông chờ vào sự ủng hộ của lưỡng đảng và đừng nên hạ thấp kỳ vọng.

“Được ăn cả, ngã về không”, một cựu quan chức của chính quyền Obama nhận xét khi nói đến 100 ngày đầu tiên của ông Biden. Theo quan chức này, các đề xuất của Tổng thống Biden sẽ dễ dàng được thông qua hơn do Đảng Dân chủ đang kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện.  

Bước đi táo bạo đầu tiên của Tổng thống Biden là ký thông qua gói kích cầu 1.900 tỷ USD vào đầu tháng 3/2021 – một trong những gói kích thích kinh tế lớn nhất mà người Mỹ từng chứng kiến. Bất chấp sự hoài nghi của các thành viên đảng Cộng hòa và nhiều nhà kinh tế học, Tổng thống Biden vẫn nhận được sự ủng hộ trong các cuộc bỏ phiếu.

Đến cuối tháng 3, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục công bố kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD, chạm đến hầu như mọi ngõ ngách của đất nước và vượt xa những cam kết thông thường về xây dựng. Hạng mục đầu tư bao gồm mọi thứ từ cầu cống, mạng lưới băng thông rộng đến phúc lợi cho người già và giáo dục cho người trẻ. Giống như gói kích cầu kinh tế, kế hoạch này nhiều khả năng sẽ sớm được lưỡng đảng thông qua.

Những rủi ro khó lường

Tuy vậy, một số nhà phê bình cho rằng ông Biden đang mắc phải sai lầm lớn đó là tập trung vào những con số “nhảy múa” thay vì bối cảnh chính trị. Gói tài chính mà Tổng thống Biden đề xuất lớn hơn rất nhiều lần so với chương trình “súng và bơ” của cựu Tổng thống Lyndon Johnson – từng được cho là nguyên nhân dẫn đến thời kỳ lạm phát cao của nước Mỹ. Không ai có thể chắc chắn liệu khoản chi tiêu mới hơn 4.000 tỷ USD của ông Biden có dẫn đến tình trạng này hay không. Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, nguy cơ lạm phát chiếm khoảng 30%.

Trái ngược với quan điểm trên, ông Frederick Kempe nhấn mạnh, khoản tiền hàng nghìn tỷ USD này có vẻ như vẫn khiêm tốn so với khoản tiền ông Biden cần phải chi để đảm bảo vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế, vị trí của ông trong lịch sử và chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc tái bầu cử sắp tới. Theo góc nhìn đó, những người bảo thủ tài chính coi đây là “quyết định liều lĩnh về mặt kinh tế”, nhưng đội ngũ của ông Biden lại coi đây là “hành vi chính trị thận trọng”.

Chuyên gia Frederick Kempe cho rằng: “Những gì Tổng thống Biden đang làm là tận dụng vận may của ông. Joe Biden đã phải chịu rất nhiều bất hạnh trong cuộc đời, cả trong cuộc sống riêng tư lẫn sự nghiệp chính trị, thế nhưng “những ngôi sao may mắn” đã mỉm cười với ông kể từ khi ông đắc cử”.

Việc nước Mỹ phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ xảy ra và sự quản lý chặt chẽ của chính quyền Biden đối với việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 đang thúc đẩy quá trình này cũng như góp phần nâng cao vị thế chính trị của ông. Tuần trước, ông Biden đã lùi hạn chót để tất cả những người trưởng thành đủ điều kiện tiêm vaccine có thể tiêm phòng cho tới ngày 19/4.

Kinh tế Mỹ được dự báo cũng sẽ phục hồi trong năm nay. Theo giới phân tích, các biện pháp kích thích của chính quyền Biden có khả năng giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,4% trong năm nay, cao nhất kể từ năm 1984.

Vẫn còn phải xem xét kinh phí hơn 4.000 tỷ USD có thể tạo ra động lực về kinh tế và chính trị lớn cỡ nào? Tuy nhiên, chuyên gia Jamie Dimon của Tập đoàn tài chính JPMorgan dự báo, sự bùng nổ của nền kinh tế Mỹ có thể kéo dài đến năm 2023, vượt qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ – thời điểm mà đội ngũ của ông Biden biết rằng họ cần phải nỗ lực hết mình để giành được chiến thắng nhằm thực hiện các mục tiêu to lớn hơn.

Trung Quốc sẽ chịu tác động ra sao?

Rất khó để biết liệu Trung Quốc có bị tác động bởi những gói tài chính lớn mà chính quyền Tổng thống Biden thông qua hay không, nhưng có một thực tế là cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington đã trở nên gay gắt hơn trong giai đoạn đầu của chính quyền Biden.

Giới chức Trung Quốc ngày càng tin rằng “phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy yếu”. Nhiều hành vi của Trung Quốc, chẳng hạn như gây sức ép với các đối tác quốc tế, xây dựng và chiếm đóng trái phép các thực thể ở Biển Đông, đều phản ánh niềm tin rằng họ có thể hành động theo ý muốn mà không bị trừng phạt hoặc phải trả giá rất ít.

Bắc Kinh cũng đánh cược rằng, nhiều đồng minh và đối tác quan trọng nhất của Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức nói riêng và EU nói chung luôn coi Trung Quốc là đối tác thương mại số 1, vì thế những nước này sẽ không muốn tham gia vào bất cứ chiến dịch chung nào nhằm chống lại Trung Quốc.

Những tranh cãi nổi lên tại cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung đầu tiên dưới thời Biden ở Alaska cho thấy việc kiểm soát một mối quan hệ ngày càng mâu thuẫn là điều rất khó khăn.

Có lẽ lý do thuyết phục nhất để Tổng thống Biden kết hợp các mục tiêu đối nội và đối ngoại là việc ông có thể tìm thấy sự đồng thuận chính trị xung quanh lập trường đối đầu Trung Quốc hơn là tự tìm kiếm bất cứ kế hoạch chi tiêu nào của ông.

Trước khi trở thành điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell từng cho rằng, thách thức mà Trung Quốc tạo ra có thể là động lực khiến Mỹ tăng cường đầu tư một cách thận trọng trong mọi lĩnh vực.

“Con đường thoát khỏi sự suy thoái có thể đi qua một lĩnh vực hiếm hoi dễ đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng đó là nước Mỹ cần phải vượt lên những thách thức từ Trung Quốc”, ông Kurt Campbell nhấn mạnh./.

Theo VOV

Tin liên quan

Đang tải....