Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019, giá vàng lên cao nhất trong hơn ba tháng, xác lập năm thể hiện tốt nhất trong hơn một thập kỉ, nhờ đồng USD yếu và lượng giao dịch mỏng trong ngày cuối năm.
Cụ thể, trên thị trường giao ngay, giá vàng giao dịch ở 1.523,14 USD/ounce, tăng 0,5%. Giá hợp đồng giao tháng 2 chốt phiên giao dịch cuối của năm 2019 ở 1522,95 USD/ounce.
So với đầu năm, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 20%.
Giá vàng tăng mạnh trong năm nay chủ yếu nhờ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và chính sách nới lỏng định lượng của các ngân hàng trung ương trên thế giới trước lo ngại nền kinh tế toàn cầu suy thoái.
Sau khi dao động quanh mức 1.300 – 1.350 USD/ounce trong 6 tháng đầu năm khi tưởng chừng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đi đến một thoả thuận đình chiến, giá vàng bắt đầu tăng vọt trở lại vào đầu tháng 6 vì Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mexico, gây lo ngại về suy thoái toàn cầu.
Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế khác, cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn thế giới giảm lãi suất đã tiếp sức cho đà tăng kéo dài của giá vàng.
Fed đã hạ lãi suất ba lần trong năm xuống khoảng 1,5 – 175% nhưng phát đi tín hiệu không giảm thêm lãi suất trong thời gian tới trừ phi kinh tế Mỹ diễn biến xấu.
Tại Australia, ngân hàng trung ương nước này cũng quyết định hạ lãi suất lần thứ ba trong năm vào đầu tháng 10 vì nền kinh tế trì trệ, theo đó đưa lãi suất xuống 0,75%, mức lãi suất thấp lịch sử của của Australia.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sau khi duy trì lãi suất ở mức âm trong thời gian dài, quyết định tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi hôm 12/9, từ -0,4% xuống mức thấp kỉ lục mới -0,5%, đồng thời khởi động lại chương trình mua trái phiếu với qui mô 20 tỉ euro/tháng kể từ tháng 11.
Các ngân hàng trung ương cũng tích cực mua vàng dự trữ trong năm 2019, với khối lượng thu mua lên cao nhất trong 50 năm, và phá kỉ lục xác được vào năm 2018.
Giá vàng đạt đỉnh năm 2019 vào ngày 4/9, ghi nhận ở 1.560,4 USD/ounce vì lợi suất trái phiếu kì hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Đà tăng của giá vàng sau đó hạ nhiệt khi thông tin về việc Mỹ và Trung Quốc thống nhất được một thoả thuận xoa tan phần nào lo ngại trên thị trường quốc tế, dù vậy sự không chắc chắn của thoả thuận đã giúp giá vàng tăng trở lại trong những ngày cuối năm.
Giá vàng trong nước cũng liên tiếp lập đỉnh theo giá vàng thế giới
Chịu sự chi phối của giá vàng thế giới, giá vàng SJC cũng tăng vọt kể từ tháng 2 và chuỗi tăng kéo dài được duy trì trong 5 tháng.
Theo diễn biến giá vàng tại cửa hàng của Tập đoàn Phú Quý, giá vàng vượt mức 40 triệu đồng/lượng vào tháng 8. Tiếp tục leo dốc, có thời điểm giá vàng tăng hơn 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra.
Giá vàng SJC lập đỉnh 43 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 8, và sau đó dao động quanh mức 41 – 43 triệu đồng/lượng ở hai chiều mua – bán.
Dự báo năm 2020
Vàng có thể tăng 20% lên 1.800 USD/ounce vào năm tới vi lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng. Theo ước tính trung bình của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát, khả năng suy thoái trong 12 tháng tới là 30%.
Hiệp hội Vận tải Quốc gia đưa ra khả năng cao hơn nhiều ở mức 80%. Vị thế cực đoan trong thị trường tương lai đã được giảm trở lại, có thể mở đường cho một đợt tăng giá khác lên gần 1.800 USD.
Trong khi Goldman Sachs giữ mức dự báo vàng 3, 6 và 12 tháng ở mức 1.600 USD/ounce, vì chỉ ra nhu cầu đầu tư sẽ được hỗ trợ bởi lo ngại về suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị.
Ngược lại, JP Morgan nhận định khá lạc quan về thị trường trong năm tới, và khuyên khách hàng nên bán hoợp đồng qua thị trường lựa chọn, đánh giá cao chứng khoán và đánh giá thấp trái phiếu.
Theo Kinh tế và Tiêu dùng