Theo tờ Economic Journal, đàm phán thương mại Mỹ-Trung trên thực tế đã đổ vỡ và những gì đang diễn ra chỉ là cái cách hai bên giữ thể diện cho nhau cũng như mở cửa cho khả năng trở lại bàn đàm phán.
Hiện nay, Washington và Bắc Kinh đều đang tính toán xem việc áp thuế bổ sung và đòn trả đũa sẽ gây thiệt hại như thế nào về xuất, nhập khẩu; cuối cùng ai sẽ là người gánh chịu hậu quả của việc tăng thuế.
Tuy nhiên, theo quan điểm của một bộ phận trong giới kinh tế Bắc Kinh, trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, tiêu điểm cuối cùng sẽ là lĩnh vực tài chính, và ổn định dự trữ ngoại tệ sẽ là nhiệm vụ quan trọng của giới quản lý tài chính Trung Quốc trong giai đoạn này.
Cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, những động thái của ngân hàng thương mại liên quan tới ngoại tệ và ngân hàng trung ương Trung Quốc liên quan tới dự trữ ngoại tệ gần đây luôn được dư luận quan tâm chú ý.
Về tình hình ngoại tệ của ngân hàng, ở Trung Quốc đã xuất hiện cái gọi là “tình trạng khan hiếm ngoại tệ”. Đầu tiên là việc khách hàng tới ngân hàng rút đồng USD gửi tại đây thì ngân hàng chỉ trả họ bằng đồng nhân dân tệ (NDT). Tiếp đó là việc dư luận ồn ào chuyện 4 ngân hàng lớn của Trung Quốc (Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Trung Quốc) cũng ghi nhận “tình trạng khan hiếm ngoại tệ”.
Tuy giới quản lý ngân hàng đã ra mặt tuyên bố có sự hiểu lầm, nhưng có chuyên gia đã phân tích về mối quan hệ giữa nợ bằng đồng USD và tài sản bằng đồng USD cũng như năng lực kiểm soát rủi ro của Trung Quốc, khiến cho ấn tượng về “tình trạng khan hiếm ngoại tệ” càng trở nên sâu sắc.
Mặt khác, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc kỳ thực đã giảm. Tới cuối tháng 3/2019, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã tăng 5 tháng liên tục, Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất do Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc công bố, tính đến cuối tháng 4/2019, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 3.094,953 tỷ USD, giảm 3,8 tỷ USD, tương đương 0,1% so với cuối tháng 3/2019. Nếu xét về tổng quy mô dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc, mức giảm này chỉ như muối bỏ biển. Vấn đề là sau 5 tháng tăng liên tục, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc quay đầu giảm xuống đã khiến giới kinh tế cảnh giác và muốn tìm hiểu rõ nguyên nhân đằng sau là gì.
Về lý thuyết, dự trữ ngoại tệ dồi dào có lợi cho việc ổn định tỷ giá đồng nội tệ cũng như phát triển kinh tế. Xem xét dưới góc độ hiện thực, dự trữ ngoại tệ dồi dào là điều kiện cần thiết để đồng NDT cuối cùng có thể thực hiện được mục tiêu tự do hoán đổi. Đồng thời, dự trữ ngoại tệ dồi dào còn là vũ khí quan trọng trong chiến tranh thương mại.
Nhìn lại quá khứ có thể thấy khi dự trữ ngoại tệ “chảy máu” sẽ khiến thanh khoản bằng đồng NDT trên thị trường dư thừa, gia tăng rủi ro đối với tỷ giá đồng NDT, gây áp lực lạm phát cho nền kinh tế Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung Trung Quốc. Như vậy có thể thấy dự trữ ngoại tệ đóng vai trò như một vũ khí ổn định tài chính và phát triển kinh tế ổn định của Trung Quốc, cho nên, giới kinh tế rất nhạy cảm trước việc dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc bị sụt giảm.
Liên quan tới việc dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng liên tục trong nhiều tháng bất ngờ quay đầu giảm xuống, Cục Quản lý Ngoại hội Quốc gia Trung Quốc lý giải đó là do tác động tổng hợp của nhiều nhân tố như giá tài sản thay đổi; Chỉ số đồng USD tăng 0,2% trên thị trường tài chính quốc tế; Chỉ số trái phiếu toàn cầu cơ bản giữ nguyên…
Nhưng giới tài chính tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Có người cho rằng do thay đổi về tỷ giá, có người cho rằng do giá trái phiếu đi xuống khiến dự trữ ngoại tệ giảm, nhưng cũng có người nhận định ảnh hưởng của việc tỷ giá hay giá trái phiếu biến động là bình thường, cái cần phải đề phòng trong vấn đề dự trữ ngoại tệ là ảnh hưởng của các nhân tố bất thường.
Cái gọi là “nhân tố bất thường” chủ yếu là dòng vốn chảy ra nước ngoài. Về tổng thể, quy mô dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc trong năm 2018 giảm và xu thế giảm diễn ra trong 10 tháng đầu, chỉ 2 tháng cuối năm mới tăng trở lại.
Một trong những nguyên nhân khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc năm 2018 giảm là do dòng vốn chảy ra nước ngoài và giới quản lý phải thực thi biện pháp ứng phó. Hiện nay, tình hình chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã xấu đi, “nhân tố không xác định” mà các chuyên gia ngoại hối đề cập trước đây có khả năng trở thành “nhân tố xác định”.
Cho dù là xuất nhập khẩu hàng hóa giảm hay khả năng xuất hiện làn sóng rút vốn thì đều gây ra những nỗi lo mới đối với dự trữ ngoại tệ và không thể loại trừ khả năng quy mô dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc sẽ trở về dưới mức 3.000 tỷ USD./.
Theo TTXVN