Những tưởng khi các tài sản đầu tư khác như chứng khoán, dầu thô sụt giảm mạnh; khoản đầu tư an toàn thường thấy là vàng sẽ là thứ được ưa chuộng nhất; nhưng không; vàng vừa có một sự kết thúc tháng 2 quá quá tồi tệ.
Diễn biến giá vàng phiên 28/2
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu 28/2, hợp đồng vàng giao tháng 4 sụt 75,80 USD (tương đương 4,6%) xuống $1566,70/oz, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất về phương diện phần trăm kể từ ngày 20/06/2013, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng này đã mất 5% trong tuần qua, giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 11/11/2016. Động thái này đã xóa sạch đà tăng từ đầu tháng đến nay và giảm 1,3% trong tháng 02/2020.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay rớt 3,2% xuống $1590,17/oz.
Diễn biến thị trường tuần 24-18/2
Tuần này chính là một tuần mà giới đầu tư mất quá nhiều ‘máu’. Chứng khoán Mỹ và chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ do lo ngại kinh tế vì tác động của Covid-19.
Cụ thể, tuần qua, Dow Jones đã lao dốc hơn 12%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất về phương diện phần trăm kể từ năm 2008. Trên cơ sở điểm, Dow Jones đã “bốc hơi” hơn 3500 điểm, không nghi ngờ gì nữa là tuần giảm điểm mạnh nhất từ trước đến nay. Chỉ số này cũng khép lại tuần qua trong vùng điều chỉnh, giảm 14,1% từ đỉnh cao kỷ lục trong phiên đã lập được vào ngày 12/02/2020. S&P 500 sụt 11,5% từ đầu tuần đến nay, chứng kiến tuần có thành quả tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Nasdaq Composite giảm 10,5% trong tuần này và rớt gần 13% so với mức cao kỷ lục.
Trong khi đó, giá dầu cũng không khá khẩm hơn khi giảm tới 16% đối với hợp đồng tương lai WTI và 14% đối với hợp đồng Brent. Tuần vừa qua ghi nhận tuần tồi tệ nhất của dầu thô hơn 1 thập kỉ.
Kể từ đầu tuần này, thị trường chứng khoán khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng chứng kiến tình trạng bán tháo mạnh, hiện mức vốn hoá bị “thổi bay” đã lên đến hàng nghìn tỷ USD. Ví dụ, chỉ số FTSE All World đã giảm gần 10% trong 6 phiên liên tiếp cho đến ngày 27/2, mất khoảng 5,2 nghìn tỷ USD đến 47,1 nghìn tỷ USD, theo Refinitiv Datastream.
Tại sao giá vàng giảm sâu 28/2 sau khi tăng tốt ngày đầu tuần?
Vàng đã tăng thần tốc gần 3% lên mức đỉnh kỉ lục $1691 phiên thứ Hai đầu tuần khi nhà đầu tư tranh thủ mua vào kim loại quý trước sự biến động giảm sâu của chứng khoán và lo ngại Covid-19.
“Nhà đầu tư không muốn nắm giữ cổ phiếu, bán tháo trên thị trường và nhanh chóng rót tiền vào các tài sản an toàn. Trong đó, vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu, nhất là khi môi trường lãi suất thấp trên toàn cầu nhiều khả năng sẽ kéo dài”, Michael McCarthy, chiến lược gia trưởng thị trường hàng hóa tại CMC Market nhận định hôm thứ Tư.
Đáng chú ý, báo cáo vừa được công bố của Goldman Sachs nhận định, thị trường chứng khoán có thể giảm thêm 10% nữa khi tình hình dịch bệnh có diễn biến nghiêm trọng hơn. Đây là lý do giá vàng còn nhiều dư địa để tăng trưởng và mới ở giai đoạn đầu của xu hướng tăng giá.
Tuy nhiên, kể sau khi đạt từ đó, giá vàng liên tục điều chỉnh giảm vì động thái chốt lời và nhà đầu tư bán ra nhằm cứu khoản lỗ vì các khoản đầu tư khác.
Phó giám đốc bộ phận kinh doanh vàng tại Zaner Metals, ông Peter Grant, nhận xét: “Nhà đầu tư chắc chắn coi vàng như một công cụ an toàn, tuy nhiên giờ đây vàng đang chịu quá nhiều áp lực bán. Nhà đầu tư đang nhận thấy rằng cần nắm giữ tiền mặt trong bối cảnh thị trường suy giảm. Thông thường tiền mặt sẽ được đùng để bù cho lỗ trên các thị trường khác”.
“Có một câu nói cũ trên các thị trường giao dịch rằng khi thời điểm thật sự khó khăn và sự lo lắng tăng cao, bạn không bán những gì bạn muốn, mà bán những gì bạn có thể. Đó có thể là một phần lý do vàng trú ẩn an toàn chịu áp lực giảm giá trong tuần này”, Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco.com, nhận định.
Giavang.net tổng hợp