Bất chấp đà sụt giảm gần đây, vẫn còn rất nhiều lý do để lạc quan về tương lai của quý kim trong ngắn hạn và dài hạn.
Cả hai yếu tố là nền kinh tế Mỹ và chính bản thân thị trường vàng đều cho thấy vàng có thể tiếp tục tăng trong tương lai gần. Mặc dù đón nhận thông tin kinh tế tốt, các nhà đầu tư vẫn vô cùng lo lắng về những gì có thể xảy ra trong năm tới, điều này càng kích thích nhu cầu vàng leo cao hơn nữa.
Vàng và nền kinh tế
Không thể phủ nhận rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động tốt và dự kiến sẽ tăng 2% trong năm 2019.
CNN cảnh báo suy thoái kinh tế sẽ xuất hiện “sớm hơn cả tưởng tượng”, thôi thúc suy nghĩ rằng đà đi lên của kim loại quý vẫn đang tiềm ẩn. Có 2 lý do để họ xuất hiện tư tưởng này. Thứ nhất, những thông tin lạc quan kìm chân giá vàng không thể kéo dài giống như dự kiến. Vấn đề Brexit đã có lúc tưởng như lắng dịu nhưng đồng hồ đã điểm giờ chót và khả năng Brexit vẫn rất cao. Những người lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung nên nhớ về bản chất khó đoán của Trump và rằng chẳng khó gì để ông ta tiếp tục đánh trống khiêu chiến chống Trung Quốc bằng các quy định thuế quan của mình.
Ngoài những rắc rối này, các nhà đầu tư cũng nên tự hỏi tại sao giá vàng đã tăng trong hầu hết năm 2019 ngay cả khi nền kinh tế đang diễn biến tốt và đồng đô la Mỹ mạnh lên trong năm nay. Chính sách nới lỏng định lượng toàn cầu là yếu tố chính đằng sau điều này bởi vì sức mạnh của đồng đô la chủ yếu đến từ những nỗ lực của Trung Quốc và châu Âu nhằm giữ lãi suất của họ ở mức thấp và duy trì đồng nội tệ yếu với mục đích thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Lãi suất âm thôi thúc giới nhà đầu tư tìm kiếm các loại tài sản lưu trữ giá trị, điều này làm tăng nhu cầu về vàng.
Vàng sẽ chạm đỉnh?
Ngoài những lý do đã nêu ở trên, việc nhu cầu vàng tiếp tục tăng trong năm 2019 và 2020 còn liên quan tới vấn đề nguồn cung. Bạn hãy nhớ lại một thập kỷ trước khi giá dầu chạm đỉnh bởi giả thuyết thế giới có nguy cơ cạn kiệt dầu. Vàng cũng đang chờ đợi một kịch bản tương tự.
Báo cáo của Stefan Glory cho hay một vài chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghiệp vàng tin rằng sản xuất vàng đã đạt đến đỉnh điểm và ngành công nghiệp khai thác thiếu khả năng gia tăng sản lượng ngay cả khi giá cả đi lên. Hoạt động khai thác vàng đã suy giảm mạnh kể từ đầu thế kỷ, đặc biệt ngành khai thác vàng tại Nam Phi đã chứng kiến sự sụt giảm lớn trong những năm qua. Không giống như đỉnh giá của dầu, chẳng có cách nào để con người chúng ta tạo ra một nền kinh tế khác thay thế vàng và công nghệ khai thác vàng thậm chí cũng thui chột dần.
Giữ an toàn cho tương lai
Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ hết vàng sớm. Nhưng một khi giá cả tăng, chúng ta không thể mong đợi đợt sản xuất tương ứng sẽ giúp thị trường bình ổn giá. Và về lâu dài, chúng ta có thể hy vọng rằng vàng sẽ tăng cao hơn cả các mốc giá lịch sử.
Vàng được coi là một hàng rào bảo vệ tài sản khi mọi thứ trở nên tồi tệ thay vì thứ gì đó sẽ làm tăng thu nhập của bạn.
Sẽ có những người mộ vàng nói với bạn rằng đồng đô la Mỹ sắp sụp đổ, bức tranh u ám sẽ ập đến và bạn nên đặt mọi thứ vào vàng. Điều đó là vô nghĩa. Nhưng có lý do để tin rằng nền kinh tế sẽ đi theo hướng tiêu cực, điều này sẽ kích thích nhu cầu vàng gia tăng. Và nếu vàng chạm đỉnh là sự thật, chúng ta sẽ thấy sự gia tăng trong nguồn cung không đủ sức để giúp vàng hạ giá.
Điều đó có nghĩa là giới đầu tư thận trọng nên đổ một phần tài sản của mình vào vàng hoặc các kim loại quý khác. Lần đầu tiên chúng ta có đủ lý do chính đáng để lạc quan về giá vàng trong ngắn hạn và dài hạn.
Giavang.net