(GVNET) – Không chỉ sốt ruột khi vay nợ bằng vàng mà giá vàng ngày càng leo thang, đến nay nhiều người cònn rơi vào hoàn cảnh “có tiền để mua vàng trả nợ nhưng lại không dễ dang mua được vàng”.
Trong năm qua, giá vàng đã liên tục biến động mạnh, tạo nên áp lực lớn cho những người mắc nợ vàng và đang cố gắng mua lại vàng để trả nợ. Một cá nhân tại Hà Nội cho biết, vào 5 năm trước, cô đã vay một lượng lớn vàng miếng với giá chỉ gần 42 triệu đồng/lượng để mua nhà, nhưng khi cần trả, giá vàng đã tăng lên đến 90 triệu đồng/lượng, gây ra sự lo lắng không nhỏ. Người này đã cố gắng mua vàng khi giá còn thấp nhưng mới chỉ mua được 3 lượng và rất lo lắng vì giá vàng tiếp tục tăng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cố gắng can thiệp bằng cách bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua các ngân hàng thương mại Nhà nước, hy vọng sẽ giúp ổn định giá và giúp người dân mua vàng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do lượng vàng bán ra bị hạn chế và số lượng người có nhu cầu cao, nhiều người không thể mua được vàng như mong muốn. Một số người đã phải thức dậy từ sáng sớm để xếp hàng, trong khi người khác liên tục theo dõi để đăng ký mua trực tuyến nhưng vẫn không thành công.
Tình hình khó khăn trong việc mua vàng khiến nhiều người phải tìm cách đàm phán lại khoản nợ hoặc tìm giải pháp khác để giải quyết nợ vàng, trong khi giá vàng hiện tại vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm họ vay. Một số người còn cân nhắc việc mua vàng từ các giao dịch bên ngoài các cửa hàng chính thức để có thể hoàn tất nghĩa vụ trả nợ, tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn rủi ro về chất lượng và nguồn gốc của vàng cũng như giá cả bị đẩy cao hơn vài triệu đồng mỗi lượng so với giá niêm yết tại các nguồn bán chính thức.
Tình trạng này đã phản ánh rõ ràng sự căng thẳng và khó khăn mà thị trường vàng và người dân đang phải đối mặt trong việc giải quyết nhu cầu về vàng trong các hoàn cảnh cụ thể.
Không chỉ riêng với mặt hàng vàng miếng, vàng nhẫn trơn tại một số doanh nghiệp uy tín cũng khó mua được với số lượng lớn và mua kể cả với 1 chỉ vàng cũng phải xuất trình căn cước công dân gắn chip và số điện thoại cá nhân.
Trao đổi với phóng viên, nhân viên của 1 cửa hàng vàng lâu năm tại phố vàng Trần Nhân Tông cho hay, dù mua ít hay nhiều thì khách vẫn phải xuất trình căn cước công dân và cung cấp số điện thoại. Quy định này có từ tháng 5 và đã được thông báo trên truyền thông. Việc thu thập thông tin khách hàng là để thực hiện quy định phòng chống rửa tiền của cơ quan chức năng.
Tuỳ từng cửa hàng, số căn cước công dân của khách sẽ được in trên hoá đơn mua hàng hoặc được cửa hàng lưu trên hệ thống.
Việc nhiều cửa hàng vàng hạn chế hoặc báo ngừng bán vàng nhẫn khiến cho không ít người đứng ngồi không yên vì họ có nhu cầu cần thiết, mua trả nợ, hoặc tặng con cháu nhân dịp cưới xin.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho rằng, khi chưa bỏ được độc quyền vàng SJC và chưa cho nhập vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cho các đơn vị kinh doanh vàng được nhập vàng nguyên liệu để làm vàng trang sức.
Theo ông, giải pháp này sẽ giải quyết được phần nào nguồn cung của thị trường và đây mới là phương án tốt hơn cho thị trường về lâu dài.
Liên quan đến vấn đề kê khai thông tin khi mua vàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, hàng ngày, cơ quan này sẽ thu thập thông tin người mua – bán vàng miếng và chuyển cho công an nhằm phát hiện nghi vấn đầu cơ. Thông tin của người mua – bán vàng miếng được thu thập thông qua tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng, do UBND TP.HCM vừa thành lập.
Trên thực tế, trong 2 tháng qua, việc ghi nhận thông tin của khách hàng gồm họ tên, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ đã diễn ra tại 4 ngân hàng và Công ty SJC .
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, không nên áp dụng mệnh lệnh hành chính vào quản lý thị trường vàng. Việc thành lập tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng là không cần thiết. “Hiện, thị trường vàng miếng đã bình ổn trong một thời gian dài. Chúng ta cũng đã có hàng loạt quy định liên quan đến chống buôn lậu, đầu cơ vàng, chẳng hạn như Quyết định 11 của Thủ tướng quy định, người giao dịch số lượng vàng có trị giá từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo. Bộ Công an, cơ quan thuế, hải quan cũng đã vào cuộc. Vàng nên trả lại đúng cho thị trường”, ông Hùng nói.
Tổng hợp