Số liệu việc làm tháng 5 của Mỹ khả quan hơn nhiều so với dự báo, đã tác động tiêu cực đến giá vàng trong phiên cuối tuần này.
Việc nhiều quốc gia mở cửa trở lại nền kinh tế khi đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19 đã làm gia tăng kỳ vọng phục hồi kinh tế thế giới, khiến vai trò trú ẩn của vàng bị lu mờ. Điều này đẩy giá vàng tuần này giảm mạnh từ mức 1.735USD/oz xuống 1.670USD/oz.
Giá vàng miếng SJC tại thị trường Việt Nam cũng giảm mạnh từ mức 48,97 triệu VND/lượng xuống 48,55 triệu VND/lượng, giảm 420.000đ mỗi lượng trong tuần này.
Kỳ vọng phục hồi kinh tế thế giới càng gia tăng mạnh mẽ hơn khi số liệu việc làm tháng 5 của Mỹ được công bố khả quan hơn rất nhiều so với dự báo. Theo đó, số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) đã bất ngờ tăng tới hơn 2,5 triệu việc làm so với mức dự báo giảm 8 triệu việc làm và kỳ trước giảm 20,7 triệu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 cũng giảm xuống mức 13,3%, thấp hơn nhiều so với dự báo 19,4% và kỳ trước 14,7%.
Dù số liệu việc làm tháng 5 của Mỹ khả quan hơn nhiều so với dự kiến, nhưng thị trường lao động Mỹ chưa phải thoát khó khăn. Bởi vì trong số 2,5 triệu việc làm trong tháng 5 nói trên, có tới 2/5 là việc làm bán thời gian. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng thêm 9,8% từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, cần rất nhiều thời gian nữa, nền kinh tế Mỹ mới tạo ra được số liệu làm đã bị mất đi trong đại dịch này.
Trong khi đó, Cục thống kê của Bộ Lao động Mỹ khi công bố báo cáo số liệu việc làm tháng 5 cũng đã ghi chú có sai số trong phân loại việc làm. “Nếu phân loại đúng, tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 của Mỹ có thể ở mức 16%”, GS. Sung Won Sohn của Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, số liệu việc làm nói trên trái ngược với số liệu người đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần trong tháng 5, vẫn ở mức bình quân trên 2 triệu người/tuần.
Ngoài ra, sở dĩ các doanh nghiệp Mỹ vẫn cầm cự trả lương cho người lao động trong tháng 5 nhờ chương trình cứu trợ (PPP- Paycheck Protection Program) của Chính phủ liên bang Mỹ. PPP là một phần trong gói cứu trợ trị giá 3 nghìn tỷ USD, cho vay ưu đãi, thậm chí không hoàn lại đối với các doanh nghiệp để trả lương cho người lao động. Một khi chương trình này kết thúc, thì làn sóng sa thải lao động của các doanh nghiệp Mỹ sẽ bùng phát, bởi kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn.
Đó chính là lý do giá vàng đã phục hồi lên mức 1.684USD/oz sau khi giảm mạnh xuống 1.670USD/oz trong phiên giao dịch cuối tuần này.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn chịu sức ép khi nhu cầu vàng vật chất ở nhiều quốc gia tiêu thụ vàng lớn trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc… vẫn sụt giảm mạnh, trong đó nhu cầu tiêu thụ vàng ở Ấn Độ được dự báo sẽ chỉ phục hồi trở lại sau tháng 9 năm nay do tác động của dịch COVID-19.
Trong khi đó, trạng thái đầu cơ mua vàng tương lai, quyền chọn đang ở mức cao kỷ lục, cao hơn nhiều lần so với trạng thái bán. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn mỗi khi giá vàng tăng mạnh lên vùng 1.750- 1.800USD/oz.
Ông Bart Melek, Giám đốc chiến lược toàn cầu của TD Securities, cho biết trong tuần qua lượng vốn đầu tư lớn đã chảy từ vàng sang chứng khoán do các nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ sớm phục hồi khi nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại. Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán toàn cầu sẽ khó kéo dài vì nhiều nền kinh tế lớn vẫn còn rất khó khăn. Trong khi đó, dù số liệu việc làm Mỹ được công bố khả quan, nhưng trên thực tế thị trường lao động nước này chưa thoát khó khăn. Mặc dù vậy, giá vàng cũng chưa thể tăng mạnh mẽ trở lại trong tuần tới.
“Giá vàng có thể tăng vào đầu tuần tới, nhưng khó vượt xa mức 1.700USD/oz do áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn còn lớn. Mức hỗ trợ quan trọng của giá vàng đang ở 1.660USD/oz, trong khi kháng cự mạnh vẫn ở mức 1.745- 1.765USD/oz”, ông Melek nhận định.
Theo phân tích kỹ thuật, áp lực điều chỉnh đối với giá vàng vẫn chưa kết thúc trong ngắn hạn. Mức 1.641USD/oz (MA100) đang là mức hỗ trợ quan trọng, nếu không trụ vững trên mức này, giá vàng có thể xuống dưới 1.600USD/oz, với 1.569USD/oz (MA200) là mức chặn. Trong khi đó, mức 1.726USD/oz đang là mức kháng cự đầu tiên, kế tiếp là vùng kháng cự mạnh 1.745- 1.765USD/oz.
Trong tuần tới, ngoài các số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, như CPI, PPI…, FED sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 11/6, nhưng có thể vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 0- 0,25%. Do đó, cuộc họp này ít tác động đến giá vàng, trừ khi FED tiếp tục có quan điểm bi quan về kinh tế Mỹ và cảnh báo bơm tiền mạnh hơn vào kinh tế nước này.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 8- 12/6, trong số 1.367 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 842 người (62%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 282 người (21%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 243 người (18%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp