20 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Đầu tư vàng Tin mới nhất Vàng

SJC giảm gần 6 triệu đồng trong tuần này và hành trình thu hẹp chênh lệch với vàng thế giới kể từ cuối tháng 5

(GVNET) – Tóm tắt

  • Sau 1 tuần triển khai bán vàng bình ổn, vàng miếng SJC chững lại tại đáy hơn 4 tháng, chênh lệch với giá vàng thế giới giảm không phanh.
  • Chịu áp lực kép, vàng thế giới ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Chốt tuần dưới mốc 2330 USD, giá sau quy đổi mất mốc 72 triệu đồng.
  • Không tránh khỏi làn sóng mất giá, vàng nhẫn về đáy 2 tháng với đà giảm lên tới hơn 1 triệu đồng trong cả tuần.

Nội dung chi tiết

“Thuốc mới” đã có tác dụng

Sau 9 phiên tổ chức đấu thầu vàng miếng nhằm bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải dừng lại và chuyển phương án mới khi kết quả không được như kỳ vọng.

Trong 9 phiên đấu thầu (từ ngày 22/4-23/5) có 3 phiên hủy do không đủ số thành viên đăng ký dự thầu, 6 phiên còn lại thành công với tổng lượng vàng trúng thầu là 48.500 lượng, nhưng thị trường vàng miếng vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn “nóng” hơn.

Do vậy, đến ngày 29/5, NHNN đã thông báo chuẩn bị triển khai phương án mới. Cụ thể là để 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) sẽ mua vàng miếng SJC trực tiếp từ NHNN và bán ra cho khách hàng cá nhân, mục đích vẫn là bình ổn thị trường vàng và thu hẹp khoảng cách giữa vàng miếng và giá vàng thế giới.

Ngoài 4 ngân hàng trên, tối ngày 2/6 NHNN công bố thêm Công ty SJC cũng sẽ tham gia mua vàng trực tiếp từ NHNN để bán cho người dân và ngày 3/6 sẽ bắt đầu triển khai.

Sau thông báo của NHNN, ngay từ chiều ngày 29/5, giá vàng miếng đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống nhưng vẫn giữ được trên mốc 90 triệu đồng/lượng.

“Cơn ác mộng” giảm giá của vàng mới bắt đầu từ ngày 30/5, chỉ qua 1 đêm mà vàng miếng “bốc hơi” tới vài triệu đồng mỗi lượng, kéo giá mua khỏi mốc 87 triệu đồng và giá bán giảm khỏi mốc 89 triệu đồng. Đà giảm kéo sang các phiên sau đó và giá bán vàng miếng kết thúc tháng 5 giảm về mốc 87 triệu đồng/lượng.

Trong ngày 29/5, giá vàng SJC và thế giới vẫn chênh nhau trên 16 triệu đồng. Kết thúc tháng 5 mức chênh đã giảm xuống ngưỡng 13 triệu đồng.

Bước vào tháng 6, thị trường vàng miếng tiếp tục đà giảm mạnh và kết thúc ngày 1/6 với mức giá còn 83 triệu đồng/lượng. Chênh lệch với giá vàng thế giới cũng giảm mạnh về dưới mốc 10 triệu đồng. Sau ngày Chủ Nhật (2/6) “nghỉ ngơi”, vàng miếng bước vào tuần mới (ngày 3/6) tiếp tục hành trình giảm giá của mình khi mất tới 2 triệu đồng ngay trong phiên sáng, về 81 triệu đồng/lượng.

Sang phiên chiều ngày 3/6, NHNN công bố giá bán vàng miếng trực tiếp cho SJC và 4 NHTM có mức 78,98 triệu đồng/lượng, ngay lập tức giá bán tại SJC và 4 ngân hàng đã niêm yết giá bán vàng miếng cho người dânn là 79,98 triệu đồng/lượng – đắt hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá nhập trực tiếp từ NHNN. Với mức giá 79,98 triệu đồng, vàng miếng trong chiều 3/6 chỉ còn đắt hơn giá vàng thế giới sau quy đổi dưới 7 triệu đồng.

Tiếp nối chuỗi ngày giảm giá, sang phiên 4-5-6/6, NHNN công bố mức giá bán trực tiếp cho SJC và 4 NHTM giảm lần lượt qua các phiên là 77,98-76,98-75,98 triệu đồng/lượng. Theo đó, SJC và 4 ngân hàng cũng điều chỉnh giá bán giảm 1 triệu đồng mỗi phiên xuống 78,98-77,98-76,98 triệu đồng/lượng – giá bán cho người dân luôn cao hơn 1 triệu đồng so với mức giá nhập trực tiếp từ NHNN.

Giá vàng miếng giảm, chênh lệch với vàng thế giới cũng giảm dần qua từng phiên. Đến ngày 6/6, chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới giảm xuống còn khoảng 3 triệu đồng.

Sang phiên 7/6, đà giảm của vàng miếng chững lại, SJC và 4 ngân hàng giữ giá bán ở mức 76,98 triệu đồng/lượng – không thay đổi so với phiên 6/6, dù giá vàng thế giới vẫn luôn có sự biến động.

Sang phiên cuối tuần 8/6, sau khi giá vàng thế giới rớt thảm về dưới 2300 USD, vàng miếng SJC vẫn “chôn chân” tại mốc 76,98 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa SJC và vàng thế giới đã lên 5 triệu đồng, tăng khoảng 2 triệu đồng từ ngưỡng 3 triệu đồng phiên trước đó, nhưng vẫn giảm mạnh so với cuối tuần trước.

Diễn biến giá vàng miếng và vàng nhẫn trong tuần 3-8/6/2024

Chốt phiên cuối tuần 8/6, giá vàng miếng tại SJC Hồ Chí Minh niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng, giảm 5,02 triệu đồng/lượng chiều mua và 5,52 triệu đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần 3/6. So với mức giá 79,98 chiều 3/6 – bắt đầu triển khai bán vàng bình ổn – vàng miếng đến nay đã giảm tổng cộng 4 triệu đồng/lượng.

DOJI Hà Nội hiện niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng, mua vào giảm xấp xỉ 5 triệu đồng/lượng, bán ra giảm 4,72 triệu đồng/lượng so với mở cửa phiên đầu tuần.

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá mua – bán chốt phiên 8/6 tại 75,50 – 76,98 triệu đồng/lượng, giảm 4,5 triệu đồng chiều mua và 5,02 triệu đồng chiều bán so với mở cửa ngày đầu tuần 3/6.

Với mức giá hiện tại 76,98 triệu đồng/lượng – thấp nhất kể từ ngày 30/1/2024, vàng miếng hiện cao hơn giá vàng thế giới 5 triệu đồng, giảm 4,6 triệu đồng so với cuối tuần trước.

Theo tính toán, nếu mua vào với giá mở cửa sáng đầu tuần 3/6, đến cuối tuần nhà đầu tư vàng miếng sẽ lỗ khoảng 6,5-7,5 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị. Và nếu mua với giá 79,98 triệu đồng chiều 3/6 đến nay sẽ lỗ khoảng 4,5-5 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.

Tại thị trường vàng nhẫn, giá mua vào chốt phiên cuối tuần 8/6 ở ngưỡng 72,6-73,55 triệu đồng/lượng và giá bán khoảng 74,15-74,9 triệu đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên đầu tuần, chiều mua ghi nhận đà giảm từ 550.000 đồng đến 1,1 triệu đồng mỗi lượng, chiều bán giảm khoảng 750.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/lượng tùy đơn vị.

Với chênh lệch mua – bán biến động quanh ngưỡng 1,5 triệu đồng, đầu tư vàng nhẫn trong tuần này sẽ lỗ khoảng 2-2,8 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.

Mất mốc 75 triệu đồng về đáy của tuần và cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 8/4/2024, vàng nhẫn hiện cao hơn giá vàng thế giới 2,9 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với cuối tuần trước.

Cùng thương hiệu SJC, vàng miếng hiện cao hơn vàng nhẫn 2,8 triệu đồng, giảm 4,5 triệu đồng so với cuối tuần trước.

Giá vàng thế giới

Vàng thế giới chốt tuần ở ngưỡng 2.294 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.730 VND/USD), vàng thế giới đứng tại 71,96 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), giảm 1,4 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Hứng “cú đấm kép” từ số liệu việc làm Mỹ mạnh hơn dự báo và thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngừng mua ròng vàng sau 18 tháng mua liên tiếp, vàng thế giới giảm không phanh trong phiên giao dịch thứ Sáu 7/6 và giảm khoảng 1,3% trong cả tuần – ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Theo báo cáo từ Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ, khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 272.000 công việc trong tháng 5, cao hơn nhiều so với 190.000 công việc mà giới chuyên gia dự báo trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones và con số 175.000 công việc mới của tháng 4. Tiền lương bình quân theo giờ tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đều vượt dự báo.

Nhà đầu tư vốn dĩ đã hy vọng bản báo cáo cho thấy một thị trường việc làm suy yếu để Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và có 2 lần giảm lãi suất trong năm nay. Nhưng với sự vững vàng của thị trường việc làm như được phản ánh qua báo cáo trên, khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9 đã giảm mạnh.

Sau khi báo cáo được công bố, thị trường dự báo Fed phải đến tháng 11 mới bắt đầu hạ lãi suất và sẽ chỉ có một đợt giảm duy nhất trong năm nay. Số liệu từ công cụ Fedwatch của nhà cung cấp dữ liệu tài chính LSEG cho thấy khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 chỉ còn khoảng 56%, từ mức 70% vào hôm thứ Năm. Vàng là tài sản không mang lãi suất nên môi trường lãi suất cao kéo dài gây bất lợi cho giá vàng.

Ngày hôm nay sẽ đưa ra câu trả lời cho câu hỏi liệu vàng có đủ khả năng để hấp thụ ‘cú đấm kép’ là báo cáo việc làm mạnh và việc Trung Quốc ngừng mua vàng”, nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong ở New York nhận định.

Số liệu chính thức từ Trung Quốc ngày thứ Sáu cho thấy PBOC nắm 72,8 triệu ounce vàng ở thời điểm cuối tháng 5, không thay đổi so với thời điểm cuối tháng 4, đồng nghĩa không có mua ròng trong tháng 5. Dự trữ vàng này trị giá 170,96 tỷ USD ở thời điểm cuối tháng 5, tăng so với mức 167,96 tỷ USD vào cuối tháng 4 do giá vàng tăng.

Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã duy trì ở mức cao trong khoảng 2 năm trở lại đây, trở thành một động lực quan trọng thúc giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại 2.450 USD hồi tháng 5 vừa qua. PBOC chính là ngân hàng trung ương mua ròng vàng nhiều nhất trong năm 2023, với lượng mua ròng 7,23 triệu ounce – theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Đây là mức mua ròng vàng mạnh nhất của PBOC kể từ ít nhất năm 1977.

Trước khi dừng mua ròng vàng trong tháng 5, PBOC đã có 1 năm rưỡi liên tiếp mua ròng vàng.

Phiên bán tháo này của vàng còn do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng tăng mạnh sau báo cáo việc làm.

Triển vọng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn khiến lợi suất kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 15 điểm cơ bản, đạt 4,434% vào cuối phiên. Chỉ số Dollar Index tăng 0,8% lên mức cao nhất trong 1 tuần, chốt phiên ở mức 104,9 điểm.

Động lực đưa USD tăng giá còn đến từ việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đã bắt đầu giảm lãi suất trong tuần này. Việc các ngân hàng trung ương lớn khác hạ lãi suất sớm hơn Fed được dự báo sẽ mang lại lợi thế cho đồng USD.

Theo trưởng phân tích Han Tan của công ty Exinity, “các nhà đầu cơ vàng giá lên đã cảm nhận một cú sốc kép vào ngày thứ Sáu”. Ông cho rằng việc Trung Quốc – nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – tạm dừng mua ròng vàng cho dự trữ quốc gia đã “làm mất đi một trụ cột lớn trong sự leo thang lên kỷ lục gần đây của giá vàng”, trong khi báo cáo việc làm mạnh hơn kỳ vọng cũng “khiến các nhà đầu cơ hoảng sợ và giá vàng phải tụt về vùng 2.300 USD”.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....