20 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Tin mới nhất Vàng

SJC đắt đỏ với giá 92,4 triệu đồng, giá tăng vèo vèo sau đấu thầu do vấn đề nguồn cung và tâm lý được giải tỏa

(GVNET) – Sau 2 phiên đấu thầu vàng SJC thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường vàng liên tục chứng kiến giá vàng miếng SJC thiết lập các mức giá cao không tưởng.

Ngân hàng Nhà nước đã 5 lần đấu thầu vàng SJC nhưng chỉ có 2 lần thành công với 6.800 lượng vàng được đưa ra thị trường. Mặt khác, cách đấu thầu của NHNN cũng khá lạ khi luôn niêm yết giá đấu thầu vàng ngày một cao qua từng phiên.

Thị trường nhìn vào cách ra giá tham chiếu đấu thầu vàng của NHNN, nơi có quyền nhập khẩu và nguồn cung vàng SJC dồi dào, là kim chỉ nam cho thấy giá vàng SJC còn tiếp tục tăng cao.

Do đó, với tính độc quyền của mình, giá vàng SJC ngày càng tăng mạnh bất chấp các nỗ lực của các cơ quan chức năng thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, NHNN cũng có cái khó riêng của mình. Việc cung ứng vàng ra thị trường với mức giá thấp không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đang căng thẳng như hiện nay.  

Theo NHNN, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD đã tăng tới 4,9% trong khi mức tăng của cả năm 2023 là 4,25%. Nếu NHNN buộc phải mua thêm vàng từ thị trường quốc tế để duy trì nguồn cung trong nước thì sẽ tạo áp lực làm tăng tỷ giá.

Ảnh minh họa

Trả lời về nguyên nhân của việc giá vàng miếng tăng phi mã sau mỗi phiên đấu thầu, chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, giá vàng miếng SJC tăng liên tiếp những phiên gần đây là do vấn đề về nguồn cung và tâm lý.

Nguồn cung vàng hiện nay đang được NHNN tăng cường thông qua các phiên đấu thầu. Tuy nhiên, sau khi các doanh nghiệp trúng thầu, cần một khoảng thời gian nhất định thì vàng mới đến được tay doanh nghiệp và khi đó thị trường mới được bổ sung nguồn cung.

Trong khi đó, tâm lý người dân hiện nay là lãi suất tiết kiệm thấp, họ sẽ rút tiền ra mua vàng. Hơn nữa, họ nhận định vàng thế giới sẽ tăng nên vàng trong nước có thể tăng lên 90, thậm chí 100 triệu đồng/lượng.

Vấn đề tâm lý này có thể thấy rõ nhất trong thời gian gần đây, khi càng đấu thầu vàng, giá càng tăng nên người dân vẫn mua vàng vào vì nghĩ giá khó giảm”, ông Phương cho hay.

Theo ông Ông Nguyễn Ngọc Trọng – giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), trước khi đấu thầu vàng, tâm lý nhà đầu tư còn e ngại sự can thiệp của NHNN sẽ kéo giá vàng đi xuống. Nhưng sau khi đấu thầu, người dân thấy rằng việc can thiệp thị trường vàng thông qua đấu thầu không kéo giá vàng giảm như mong đợi nên hoạt động mua diễn ra nhiều hơn. Nguồn cung vẫn hạn chế nên giá tăng liên tục khi có sức mua. Vì thế, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại bị đẩy lên một mức kỷ lục mới.

Nhiều chuyên gia nhận định đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp tình thế, không phải là “liều thuốc” chữa dứt điểm căn bệnh của thị trường vàng hiện nay. Chỉ đấu thầu là không đủ để hạ nhiệt thị trường vàng. Thị trường vàng cần nhiều hơn một giải pháp.

Theo nhiều chuyên gia, việc đấu thầu vàng miếng không kéo giá vàng xuống được mà còn khiến giá ngày càng có cơ hội nhảy lên cao hơn bởi sự “ngăn sông cấm chợ” không cho nhập khẩu vàng.

Muốn hạ nhiệt và liên thông giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, NHNN phải tính đến việc cho phép nhập khẩu và sửa phương thức đấu thầu vàng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đấu thầu cũng là một biện pháp để tăng nguồn cung. Nhưng biện pháp quan trọng nhất, giải pháp căn cơ giúp giải quyết vấn đề, giúp tăng nguồn cung vàng là cho phép các công ty kinh doanh vàng bạc được nhập khẩu vàng.

Ông Nghĩa cho rằng, khi doanh nghiệp được phép nhập khẩu và xuất khẩu vàng, ngay lập tức giá vàng sẽ giảm xuống về sát giá vàng thế giới ngay. Khi đó, Nhà nước sẽ kiểm soát thị trường thông qua công cụ thuế.

Theo ông Nghĩa, việc cho nhập khẩu vàng không lo ảnh hưởng đến tỷ giá vì một năm tỷ giá cho nhập vàng chỉ khoảng 3 tỷ USD. “Nếu giá trong nước cứ cao sẽ dẫn đến buôn lậu vàng. Buôn lậu vàng cũng phải dùng USD trong nước đi mua. Chúng ta nên cho nhập và quản lý bằng thuế”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Bên cạnh việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng, nhiều chuyên gia cũng đề xuất Nghị định 24 cần được sửa đổi theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia của SJC. Từ đó, chênh lệch giữa giá vàng của SJC và các nhãn hiệu khác cũng sẽ được thu hẹp lại.

Sửa đổi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng miếng được cho là một nhiệm vụ cấp thiết để có thể bình ổn thị trường vàng trong dài hạn.

Cập nhật thời điểm 17h30, ngày 10/5, giá mua – bán của vàng miếng SJC giao dịch ở mức kỷ lục 90,10 – 92,40 triệu đồng/lượng, tăng 1,9 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa.

Vàng nhẫn của DOJI giao dịch tại 75,95 – 77,45 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 900.000 đồng/lượng so với giá mở cửa cùng ngày. Đây là mức giá cao nhất của thị trường vàng nhẫn kể từ ngày 20/4/2024.

Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại 2.377 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.750 VND/USD) vàng thế giới đứng tại 74,62 triệu đồng/lượng, thấp hơn SJC 17,8 triệu đồng (đã bao gồm thuế, phí), tăng 900.000 đồng so với phiên chiều qua.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....