Ngày 24/5, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ trong bối cảnh chính phủ nước này vẫn đang bế tắc trong giải quyết vấn đề trần nợ công.
Theo thông báo của công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating, đây là cảnh báo được đưa ra vì tình trạng đàm phán trần nợ công của Mỹ kéo dài khiến tình hình trên thị trường tài chính trở nên tệ hơn. Nước Mỹ có rủi ro cạn tiền mặt và ảnh hưởng tới thanh khoản của nền kinh tế.
Cụ thể, Fitch đánh giá xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Mỹ ở mức AAA trong Danh sách giám sát tín nhiệm tiêu cực.
Fitch nêu rõ mức xếp hạng AAA phản ánh tình trạng chia rẽ đảng phái gia tăng đang cản trở việc đạt được nhất trí để nâng trần nợ công trước thời hạn chót sắp tới. Tuy nhiên, Fitch vẫn hy vọng các bên có thể đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.
Ngày 23/5, đội ngũ Nhà Trắng được chỉ định bởi Tổng thống Joe Biden đã tiếp tục đàm phán với các đối tác thuộc đảng Cộng hòa nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng trần nợ công hiện nay. Tuy nhiên, hai bên đã không đạt được thỏa thuận nào sau 2 giờ thảo luận.
Các bất đồng hiện nay vẫn tiếp tục xoay quanh vấn đề thâm hụt ngân sách liên bang khi phe Cộng hòa muốn cắt giảm chi tiêu trong khi đảng Dân chủ muốn tăng thuế đối với những người giàu và các doanh nghiệp.
Nếu các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục bế tắc, Mỹ có nguy cơ sẽ vỡ nợ từ ngày 1/6 theo cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và điều này sẽ có tác động lớn tới không chỉ nền kinh tế Mỹ mà cả thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Mỹ vỡ nợ có thể châm ngòi cho suy thoái kinh tế, nhiều việc làm mất đi và chi phí vay nợ gia tăng. Tuy nhiên, trong quá khứ, các thoả thuận về trần nợ công thường hoàn thiện vào phút chót, khi áp lực đủ lớn để buộc các bên phải đưa ra lựa chọn nhất định.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar (Ca-ta) ngày 24/5, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng bất đồng kéo dài về trần nợ tại Mỹ cần được giải quyết để tránh gây tác động đến kinh tế toàn cầu.
Các thị trường quốc tế lo ngại về các cuộc đàm phán nâng trần nợ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Cộng hòa, khi thời hạn chót vào đầu tháng 6/2023 đang đến gần.
Bà Georgieva nói đến việc nước Mỹ đã từng đối mặt với tình trạng vỡ nợ trên danh nghĩa, khi đã có những lần phải đóng cửa chính phủ do mức trần chi tiêu. Bà cho rằng vấn đề về trần nợ lần này sẽ được giải quyết vào phút chót.
Tuy nhiên, bà nói thêm rằng cần tránh gây ra tình trạng rất không chắc chắn đối với kinh tế thế giới do vấn đề trần nợ tại Mỹ, khi hiện đã có không ít những rủi ro.
Bên cạnh đó, bà Georgieva khuyến nghị các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát, nhưng tình hình có thể cải thiện trong năm 2024.
Theo bà, lạm phát cơ bản ở nhiều nước đang đạt đỉnh khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, nhưng lạm phát lõi vẫn chưa giảm như kỳ vọng do giá thực phẩm vẫn cao.
Bà cho rằng nếu các ngân hàng trung ương hạ lãi suất quá sớm, căng thẳng về lạm phát sau đó có thể gây trở ngại cho tăng trưởng.
Giavang.net