Raymond Dalio (sinh năm 1949) được xem là một trong những nhà quản lý quỹ đầu cơ giỏi nhất thế giới hiện nay. Ông là nhà sáng lập Bridgewater Associates, công ty quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới với số tài sản được quản lý khoảng 160 tỷ USD.
Tuổi thơ của thiên tài đầu tư vốn bình dị như những đứa trẻ cùng lứa khác, ông sinh ra ở một thành phố nhỏ mang tên Jackson Heights, Queens, New York. Cha ông là một nhạc sĩ thường chơi clarinet và saxophone tại các câu lạc bộ jazz ở Manhattan để kiếm từng đồng tiền sinh hoạt nhỏ lẻ và mẹ ông thì chỉ là một người phụ nữ ở nhà chăm lo nội trợ – gia đình.
Dalio bắt đầu đầu tư ở tuổi 12. Ông mua cổ phần của Northeast Airlines với giá 300 đô la và khoản đầu tư của ông tăng lên ba lần sau khi hãng sáp nhập với một công ty khác.
Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, với kết quả tốt ông được nhận thẳng vào khoa tài chính của Đại học Long Island và bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Trường Kinh doanh Harvard.
Sau này khi đã tốt nghiệp, công việc đầu tiên khi ra trường của ông là làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York. Năm 1974, ông làm nhà môi giới độc lập tại Shearson Hayden Stone. Ông chính thức lập ra công ty quản lý đầu tư Bridgewater Associates chỉ 1 năm sau đó. Sau 44 năm hoạt động cho tới năm 2019, Bridgewater Associates trở thành một trong quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới với 160 tỷ USD tài sản đang được quản lý.
Ông cũng chính là một trong những nhân vật đã tiên đoán trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2008, Dalio đã xuất bản một bài luận mang tên “How the Economic Machine Works: A Template for Understanding What is Happening Now” để giải thích mô hình của ông về khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới.
Trong năm 2011, ông tự xuất bản cuốn sách gồm 123 trang, gọi là Principles, mô tả logic và triết lý cá nhân của ông về đầu tư và quản lý doanh nghiệp dựa trên góc quan sát, phân tích và áp dụng thực tế. Sau đó 3 năm, Dalio bắt đầu chia sẻ “bí mật đầu tư” và lý thuyết kinh tế trên YouTube qua video hoạt hình rất nổi tiếng kéo dài trong 30 phút được đặt tên là “How The Economic Machine Works”
Sự nghiệp của ông vốn nổi tiếng với câu nói: “Hãy đắm mình vào thị trường, hãy sai lầm một vài lần, bị thị trường cho lên bờ xuống ruộng và học cách làm mọi thứ một cách đầy khác biệt”. Đối với người khác, sai lầm là một sự hổ thẹn. Nhưng với Dalio, ông nhận ra những sai lầm của bản thân là cả một sự tự hào. Chúng ta nên chấp nhận sự thật rằng việc có hiểu biết không hoàn hảo là điều tất yếu, và sai lầm không có gì phải xấu hổ cả. Chúng ta chỉ nên xấu hổ khi biết mình sai mà không chịu sửa”.
Bên cạnh đó, quy tắc để thành công nằm ở chỗ nhà đầu tư cần rèn luyện thói quen phân tích tình hình: Nguyên nhân nào đã đem nỗi đau đến với bạn? Ông chia sẻ: “Nếu bạn có thể phát triển khả năng phản xạ nhanh nhạy trước những tổn thương về mặt tinh thần, nó sẽ giúp khả năng học hỏi của bạn tăng nhanh chóng và phát triển. Mọi sự sai lầm đều đem lại hậu quả. Nhưng khi bạn dám đối mặt, chịu trách nhiệm và tìm cách khắc phục hậu quả, tôi tin rằng sẽ chẳng còn trở ngại nào có thể ngăn bạn gặt hái thành công”.
Chính những triết lý đầu tư tưởng chừng đơn giản của ông đã đem lại lợi nhuận rất cao trong những năm ông điều hành quỹ. Các phương pháp mà ông đưa ra được đúc kết như sau:
Nghiên cứu kỹ về chu kỳ dài hạn của thị trường
Đối với các nhà đầu tư có nhiều kế hoạch đầu tư hơn là chỉ mua vào và giữ một danh mục đầu tư đa dạng thì việc tìm hiểu diễn biến lịch sử của nền kinh tế và thị trường chứng khoán là rất quan trọng.
Ông vẫn luôn căn dặn nhà đầu tư trẻ thế hệ sau hãy luôn nhớ lấy: “Việc tìm hiểu điểm mua vào khi những người khác muốn bán ra và cách bán ra khi mọi người lại đang đổ xô để mua vào.”
Chắc hẳn nhà đầu tư thế giới không thể quên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ gần như rơi vào điểm bi quan cực đại và sau đó mạnh mẽ vươn lên phục hồi kinh tế và bước vào thị trường tăng trưởng dài nhất trong lịch sử tài chính hiện đại. 10 năm sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, S&P 500 đã tăng tới 150%.
Nhiều nhà đầu tư rất thận trọng, cảnh giác đối với số tiền họ bỏ ra để mua cổ phiếu sau cuộc khủng hoảng và đã bỏ lỡ cơ hội thu về mức lợi nhuận lớn. Đối với ông, việc hiểu về các diễn biến trong lịch sử, các nhà đầu tư có thể sẽ không bỏ lỡ những cơ hội như vậy.
Đi theo nguyên nhân nằm phía sau sự dịch chuyển giá cổ phiếu: tập trung vào dòng tiền lớn do các ngân hàng trung ương hoặc ngân hàng nhà nước tạo ra.
Trong cuộc phỏng vấn với Forbes, khi được hỏi rằng điều gì khiến giá cổ phiếu chuyển động, ông đã nêu lên quan điểm của ông về định giá cổ phiếu “Khi tôi bắt đầu bước vào nghề giao dịch tài chính, tôi đã đọc rất nhiều cuốn sách và nghiên cứu về cổ phiếu… Tuy nhiên, tôi thấy phần lớn thật vô ích. Mọi người, cho đến tận ngày nay, nhiều nhà phân tích vẫn chưa hiểu lý do vì sao cổ phiếu tăng hoặc giảm. Thế giới tài chính đầy rẫy những thứ hỗn tạp và ngớ ngẫn. Mọi người nghĩ rằng đó là các yếu tố cơ bản, định giá , lợi nhuận, nhưng điều này là hết sức sai lầm. Tôi cho rằng lợi nhuận không làm giá cổ phiếu thay đổi, đó chính là FED … Hãy tập trung vào ngân hàng trung ương và quan sát các động thái bơm tiền – hút tiền của họ. Chính thanh khoản mới khiến thị trường chuyển động”.
Thanh khoản là sự tăng lên hoặc thu hẹp của tiền, đặc biệt là tín dụng. Đây là biến số quan trọng nhất chi phối nền kinh tế và thị trường tài chính. FED là người cung cấp thanh khoản lớn nhất thế giới. Vì thế, phải luôn quan sát kỹ động thái của FED. Điều này không có nghĩa doanh số hay lợi nhuận không có ý nghĩa gì. Chúng vẫn rất quan trọng đối với một số nhóm ngành.
Ông cũng cho rằng đối với cổ phiếu ngân hàng, yếu tố chính chi phối giá là lợi nhuận. Nhưng đối với ngành công nghiệp, yếu tố chính là khả năng sản xuất. Thời điểm tốt nhất để mua cổ phiếu ngành sản xuất là nó còn nhiều năng lực sản xuất và có chất xúc tác để tin rằng, nhu cầu đang tăng lên. Ngược lại, thời điểm tốt để bán các cổ phiếu này chính là khi có các thông báo về xây dựng nhà máy mới, và khi lợi nhuận sụt giảm. Lý do cơ bản là, việc xây dựng nhà máy mới thường khiến cho lợi nhuận suy giảm 2-3 năm tới, và thị trường cổ phiếu sẽ phản ứng với điều này.
Vốn dĩ thị trường tài chính luôn là là cỗ máy chiết khấu tương lai. Nhiều người sử dụng lợi nhuận gần đây và ngoại suy cho tương lai. Nhưng mọi người không hiểu cơ chế tác động đến lợi nhuận tương lai của từng ngành cụ thể.
Đề cao phòng ngừa rủi ro khi tiến hành giao dịch
Một trong những phần khá khăn nhất của giao dịch tài chính là phải bảo vệ vốn. Sinh tồn là điều quan trọng. Nên nhớ, Đế chế La Mã không được tạo dựng trong một ngày nhưng Hiroshima có thể phá hủy tất cả trong chỉ một ngày mà thôi.
Theo Tri Thức Trẻ