Thông tin về loạt người giàu và nổi tiếng mắc Covid-19 ở Mỹ đang làm dấy lên câu hỏi về sự bình đẳng trong việc tiếp cận xét nghiệm loại virus này.
Vì sao chỉ là người giàu?
Theo New York Times, nếu theo dõi danh sách người mắc Covid-19 ở Mỹ, sẽ không khó để nhận ra tên tuổi của một số chính trị gia, những nhân vật giàu có và nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này làm dấy lên những hoài nghi về việc liệu những người này có đang được hưởng “quyền ưu tiên đặc biệt” mà những người nghèo thường bị chối bỏ hay không.
Không khó hiểu khi nhiều người giàu có, nổi tiếng đang bị chỉ trích gay gắt về sự “thượng đẳng” của họ trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế trong thời điểm dịch Covid-19 đang lan rộng tại Mỹ. Cuộc tranh cãi về vấn đề này thậm chí đã lan rộng trên quy mô quốc gia buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phải lên tiếng thừa nhận: “Có lẽ đây là chuyện không thể tránh khỏi. Đôi khi chuyện này có xảy ra và tôi nhận thấy nhiều người được đi xét nghiệm khá sớm”.
Mọi chuyện được đẩy lên cao trào khi tại giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA), có tới 8 đội bóng rổ đưa toàn bộ các thành viên đi xét nghiệm SARS-CoV-2. Hành động này vấp phải sự phản đối quyết liệt ngay trong nội bộ các đội bóng rổ khác.
Người nghèo bị gạt ra rìa
Tại một số khu vực hẻo lánh ở Mỹ, việc tiếp cận xét nghiệm là khá dễ dàng, tuy nhiên tại các bang lớn như New York, California, Washington và Massachusetts, điều này là không hề dễ dàng.
Sở Y tế New York thậm chí đã yêu cầu các bác sĩ chỉ được xét nghiệm cho các bệnh nhân ốm tới mức phải nhập viện. Những người có dấu hiệu nhẹ hơn chỉ được cách ly tại nhà. Thậm chí các nhân viên y tế thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cũng chỉ được xét nghiệm một cách rất hạn chế trong các trường hợp đặc biệt.
Nhiều bác sĩ đã không khỏi thất vọng về sự đối xử bất bình đẳng này. Bác sĩ Uché Blackstock, làm việc tại Brooklyn, chia sẻ trên Twitter: “Tôi thấy thất vọng khi 1) phải loại bỏ việc xét nghiệm Covid-19 cho các bệnh nhân của mình, 2) phải đợi từ 5-7 ngày để có kết quả chính thức trong khi nhiều ngôi sao được xét nghệm và nhận kết quả rất nhanh và quá dễ dàng”.
“Vô lương tâm”, “tàn nhẫn” và “khủng khiếp” là cách nhiều nghị sĩ Dân chủ và giới phân tích dùng để mô tả gói cứu trợ 1.800 tỷ USD Tổng thống Mỹ Trump và đảng Cộng hòa đưa ra.
Theo Common Dreams, hàng loạt chuyên gia kinh tế Mỹ khẳng định gói cứu trợ 1.800 tỷ USD hoàn toàn không giúp đỡ nhóm người nghèo nhất, hạn chế thu nhập khi nghỉ phép của người lao động trong khi tập trung cắt giảm thuế cho các tập đoàn và bơm hàng chục tỷ USD cho nhiều ngành công nghiệp lớn.
“Gói cứu trợ của Thượng viện Mỹ là một sự ô nhục. Nó trao tiền miễn phí cho các tập đoàn, hoàn toàn phớt lờ cuộc khủng hoảng y tế hiện tại, không giúp người lao động giữ việc làm hay hỗ trợ người thất nghiệp”, ông Richard Trumka, Chủ tịch AFL-CIO, chỉ trích thậm tệ.
Theo kế hoạch của đảng Cộng hòa, chính phủ Mỹ sẽ cung cấp 1.200 USD tiền mặt cho mỗi người trưởng thành và 500 USD cho từng trẻ. Số tiền cụ thể sẽ được tính toán dựa trên hồ sơ thuế năm 2018.
Người nghèo không được hỗ trợ
“Người nộp thuế có thu nhập tối thiểu 2.500 USD sẽ đủ điều kiện được hoàn trả tối thiểu 600 USD (1.200 USD nếu kết hôn). Thu nhập đủ điều kiện bao gồm thu nhập kiếm được, trợ cấp hưu trí, an sinh xã hội, trợ cấp và lương hưu dành cho cựu chiến binh”, đảng Cộng hòa đề xuất.
Giới quan sát nhanh chóng chỉ ra một số lỗ hổng trong kế hoạch của đảng Cộng hòa. Đó là người trưởng thành không đủ điều kiện về thu nhập sẽ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Nhà kinh tế Kyle Pomerleau thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ ước tính có khoảng 64 triệu người Mỹ kiếm được ít hơn 50.000 USD/năm và họ sẽ không nhận được khoản tiền hỗ trợ 1.200 USD hay 2.400 USD theo đề xuất của đảng Cộng hòa.
Tổng hợp