24 C
Hanoi
02/05/2024
Image default
Chứng khoán Chứng khoán Thế giới Tin mới nhất

Phiên 7/7: Phố Wall xác nhận kỉ lục mới; Dầu thô tiếp tục rung lắc rất mạnh

Fed ngày 7/7 công bố biên bản cuộc họp chính sách hồi tháng 6, trong đó, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ cảm thấy các tiến triển bền vững hơn nữa trong đà phục hồi kinh tế “nhìn chung chưa được đáp ứng” nhưng nhất trí họ nên sẵn sàng hành động nếu lạm phát hoặc các nguy cơ khác xuất hiện.

“Tôi coi đây là một biên bản với nội dung mang tính tích cực bởi họ không cảm thấy đã đủ chắc chắn về tình hình để thực hiện điều chỉnh”, Brad McMillan, giám đốc đầu tư tại Commonwealth Financial Networt, Waltham, bang Massachusetts, nói.

Phố Wall tăng tốt, xác nhận mức cao mới của S&P 500 và Nasdaq

Đóng cửa phiên giao dịch thứ Tư, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 104,42 điểm, tương đương 0,3%, lên 34.681,79 điểm.

S&P 500 tăng 14,59 điểm, tương đương 0,34%, lên 4.358,13 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.352,34 điểm thiết lập hôm 2/7.

Nasdaq tăng 1,42 điểm, tương đương 0,01%, lên 14.665,06 điểm, vượt đỉnh lịch sử 14.663,64 điểm thiết lập hôm 6/7.

Trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại đà hồi phục của nền kinh tế đã đạt đỉnh, thị trường quay trở lại với cổ phiếu công nghệ. Apple tăng 1,8% và Amazon tăng gần 0,6%.

Nhóm cổ phiếu năng lượng chìm trong sắc đỏ do giá dầu giảm. Occidental Petroleum giảm gần 3,4% và APA Corp. và Pioneer Natural Resources đều giảm khoảng 2,3%.

Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 7/7 là 10,04 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với trung bình 10,7 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.

Dầu thô nối dài xu hướng giảm

Kết thúc phiên vừa qua, giá dầu Brent giảm 1,1 USD xuống, hay 1,5%, xuống 73,43 USD/thùng.

Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 1,17 USD, hay 1,6%, xuống 72,20 USD/thùng. Trước đó, lúc đầu phiên giao dịch, cả 2 loại dầu đều tăng hơn 1%, tương tự diễn biến ở phiên giao dịch liền trước (6/7).

Giá cả hai loại dầu trong phiên đều có lúc tăng hơn 1 USD, tương tự như diễn biến phiên 6/7. Thị trường dầu hai phiên gần đây biến động đáng kể sau khi OPEC+ hủy họp sản lượng vì những bất đồng giữa Arab Saudi và UAE.

OPEC+ cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng sản lượng thế giới, từ tháng 4/2020 để hỗ trợ giá dầu. Hạn chế này được nới lỏng dần và hiện còn giảm 5,8 triệu thùng/ngày.

UAE ngày 2/7 nhất trí đề xuất từ Arab Saudi và các thành viên OPEC+ còn lại về tăng sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12, tức thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, nhưng phản đối gia hạn thỏa thuận từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2022 nếu không điều chỉnh tăng đường sản lượng cơ bản của Abu Dhabi.

Giavang.net tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....