Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện vẫn là quốc gia bị đại dịch tấn công dữ dội nhất với 396.000 ca xét nghiệm dương tính (đứng đầu thế giới) và hơn 12.700 trường hợp tử vong (chỉ sau Italy và Tây Ban Nha).
Phố Wall không thể nối dài đà tăng mạnh hôm 6/4
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 26,13 điểm, tương đương 0,12%, xuống 22.653,86 điểm. Chỉ số này đã tăng tới 937.25 điểm (tương đương 4.1%) tại mức đỉnh trong phiên.
Cùng chiều, S&P 500 giảm 4,27 điểm, tương đương 0,16%, xuống 2.659,41 điểm sau khi vọt hơn 3% lúc mở phiên. Nasdaq giảm 25,98 điểm, tương đương 0,33%, xuống 7.887,26 điểm dù trước đó tăng hơn 3%.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 7/4 là 13,92 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 15,42 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Một số nhà đầu tư cho rằng giá cổ phiếu đang diễn biến quá lạc quan so với thực tế là các biện pháp phong tỏa để kiểm soát COVID-19 nhiều khả năng sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế vào quí II. Tính từ đáy ngày 23/3, các chỉ số đã hồi phục khoảng 20%.
Ông David Kostin, Giám đốc chiến lược đầu tư cổ phiếu tại Goldman Sachs nhận định: “Ở vị trí của thị trường hiện nay, rủi ro lao dốc lớn hơn là cơ hội đi lên. Tôi phải nhắc lại cho các nhà đầu tư biết rằng trong quí IV/2008 có rất nhiều đợt hồi phục, tôi gọi chúng là hồi phục trong thị trường gấu. Có những đợt tăng tới 20% nhưng rồi thị trường vẫn giảm tiếp và phải đến tháng 3/2009 mới thấy đáy”.
Dầu thô giảm bởi lo ngại triển vọng cung – cầu
Kết thúc phiên giao dịch thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex rớt 2,45 USD (tương đương 9,4%) xuống 23,63 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn mất 1,18 USD (tương đương 3,6%) còn 31,87 USD/thùng.
Triển vọng giá dầu có vẻ suy yếu nhiều hơn sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo giá dầu WTI và dầu Brent, theo báo cáo Triển vọng Năng lượng trong ngắn hạn công bố vào ngày thứ Ba. Cơ quan này cũng hạ dự báo sản lượng dầu thô tại Mỹ trong năm 2020 giảm 9,5% xuống 11,76 triệu thùng/ngày – thấp hơn so với một số dự kiến.
“Giá dầu đã xóa sạch đà tăng sau khi EIA chỉ hạ dự báo sản lượng dầu tại Mỹ trong năm 2020 thêm 1,2 triệu thùng/ngày, cho thấy sản lượng dầu của Mỹ vẫn sẽ góp phần vào tình trạng dư cung trên thị trường”, Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định.
Nga và Arab Saudi dự kiến họp vào ngày 7/4 để bàn giảm sản lượng nhưng bộ trưởng năng lượng một số nước nói họ chỉ sẵn sàng làm vậy nếu Mỹ tham gia.
“Thị trường muốn thêm chắc chắn về việc Nga và Arab Saudi sẽ ký thỏa thuận hạn chế nguồn cung”, Gene McGillian, phó chủ tịch nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy, Stamford, Connecticut, nói.
Giavang.net tổng hợp