Thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt sau dữ liệu từ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho thấy sự tăng trưởng bất ngờ trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ. Chỉ số phi sản xuất của ISM đã tăng lên 57,1 trong tháng 6, cao hơn dự báo 50,1 từ Dow Jones.
Phố Wall giao dịch đầy hưng phấn
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 459,67 điểm, tương đương 1,78%, lên 26.287,03 điểm. S&P 500 tăng 49,71 điểm, tương đương 1,59%, lên 3.179,72 điểm. Nasdaq tăng 226,02 điểm, tương đương 2,21%, lên 10.433,65 điểm, cao nhất lịch sử.
Giá cổ phiếu Amazon lần đầu tiên vượt mốc 3.000 USD và là lực đẩy chính cho S&P 500 và Nasdaq, đóng cửa ở 3.057,04 USD, tăng 5,8%. Giá cổ phiếu Tesla tăng 13,5%, phiên tăng thứ 5 liên tiếp sau khi được JPMorgan nâng giá mục tiêu vì có doanh số bán hàng quý tốt hơn dự kiến. Cổ phiếu Uber vọt 6% sau khi cho biết Công ty này đang mua ứng dụng giao đồ ăn Postmates trong một thương vụ chứng khoán trị giá 2,65 tỷ USD.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 6/7 là 10,91 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,9 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Dầu thô diễn biến trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex hạ 2 xu (tương đương 0,05%) xuống 40,63 USD/thùng.
Trong khi, hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn Luân Đôn tiến 30 xu (tương đương 0,7%) lên 43,10 USD/thùng.
“Các lực đẩy trái chiều trên thị trường hiện gồm việc các nền kinh tế trên thế giới tái mở cửa, lực cầu tăng trong khi lo ngại nguy cơ tái phong tỏa nhiều nền kinh tế vì số ca nhiễm Covid-19 tăng”, theo Andy Lipow, chủ tịch công ty tư vấn Lipow Oil Associates.
Chỉ số LCOATMIV, phản ánh sự biến động của giá dầu Brent, xuống thấp nhất kể từ tháng 3 do thị trường tập trung vào việc nguồn cung đang thắt chặt. Sản lượng của OPEC đã chạm đáy hàng chục năm.
Giavang.net tổng hợp