Quý I thực sự là một giai đoạn biến động đầy bi thương của chứng khoán Mỹ và dầu thô. Vì Covid-19, hai tài sản này đã ghi nhận quý giảm kỉ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Phố Wall chìm trong sắc đỏ, gợi nhớ khủng hoảng tài chính 2008
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones giảm 410,32 điểm, tương đương 1,84%, xuống 21.917,16 điểm. S&P 500 giảm 42,06 điểm, tương đương 1,6%, xuống 2.584,59 điểm. Nasdaq giảm 74,05 điểm, tương đương 0,95%, xuống 7.700,1 điểm.
Tính riêng tháng 3, Dow Jones và S&P 500 mất lần lượt 13,7% và 12,5, đánh dấu tháng giảm sâu nhất kể từ năm 2008. Trong 22 ngày giao dịch trong tháng qua, hai chỉ số chứng khoán này ghi nhận 21 phiên biến động với biên độ trên 1%.
Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận quý đầu năm có thành quả tồi tệ nhất từ trước đến nay, lần lượt lao dốc 23,2% và 20%. Dow Jones cũng đánh dấu quý giảm mạnh nhất kể từ năm 1987, còn S&P 500 có quý giảm mạnh nhất từ năm 2008.
Trong quý, chỉ số Nasdaq giảm hơn 14% và như vậy có quý giảm sâu nhất tính từ 3 tháng cuối cùng của năm 2018.
Dầu thô hàng quý giảm mạnh nhất trong lịch sử
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex tiến 39 xu (tương đương 1,9%) lên 20,48 USD/thùng. Dầu WTI đã “bốc hơi” 54,2% trong tháng này, tương đương 24,28 USD – mức giảm mạnh nhất (tính theo giá trị tuyệt đối) trong 1 tháng kể từ tháng 10/2008. Trong quý 1/2020, hợp đồng dầu WTI đã lao dốc 66,5% để ghi nhận quý giảm mạnh kỷ lục kể từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu tháng 6/1988.
Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn hạ 2 xu (tương đương 0,09%) xuống 22,74 USD/thùng. Trong tháng 3/2020, hợp đồng này đã mất 55%, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong quý 1/2020 lên 65,6% – đánh dấu quý giảm mạnh kỷ lục kể từ tháng 6/1988.
Thị trường phục hồi phần nào sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhất trí thảo luận về bình ổn thị trường năng lượng, rơi vào bất ổn trong hơn 3 tuần qua vì Nga và Arab Saudi không thể nhất trí hạ sản lượng để hỗ trợ thị trường ứng phó đại dịch.
Vào ngày thứ Ba, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số mua hàng sản xuất chính thức của nước này vọt từ đáy kỷ lục 35.7 trong tháng 2 lên 52.0 trong tháng 3/2020.
“Dữ liệu làm tăng lên hy vọng rằng thế giới sẽ bắt đầu phục hồi từ đại dịch chết chóc này”, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định. “Điều này, cùng với những thảo luận về nhiều gói kích thích hơn và sức ép từ Chính quyền ông Trump đối với Nga, đang mang lại cho các nhà sản xuất dầu một số hy vọng về đáy của giá dầu”.
Giavang.net tổng hợp