Phố Wall tiếp tục rớt điểm mạnh khi diễn biến tiêu cực trên thị trường giá năng lượng vẫn chưa kết thúc, khiến tâm lý nhà đầu tư thêm căng thẳng và gây áp lực cho triển vọng kinh tế toàn cầu.
Phố Wall chìm trong sắc đỏ, các cổ phiếu chủ chốt lao dốc không phanh
Chốt phiên giao dịch thứ Ba 21/4, Dow Jones giảm 631,56 điểm, tương đương 2,67%, xuống 23.018,88 điểm, qua đó góp phần nâng tổng mức giảm trong tuần lên hơn 1200 điểm. Chỉ số này sụt giảm bởi cổ phiếu Merck & Co, sụt 5,5%, và cổ phiếu Boeing, giảm hơn 5%.
S&P 500 giảm 86,6 điểm, tương đương 3,07%, xuống 2.736,57 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 đều đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ ngày 07/04, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Cùng chiều, Nasdaq giảm 297,5 điểm, tương đương 3,48%, xuống 8.263,23 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 13/04/ và là phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 01/04/2020.
Toàn bộ 11 lĩnh vực chính trong S&P 500 đều giảm 1,6% hoặc hơn. S&P năng lượng tiếp tục giảm, một ngày sau khi giá dầu WTI giao tháng 5 xuống vùng âm vì nhà đầu tư tháo chạy khỏi hợp đồng này bằng mọi giá. S&P công nghệ thông tin giảm 4,1%, S&P tài chính giảm 3,2%. Sau khi nhiều công ty rút lại dự báo bởi bất ổn liên quan virus corona, nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi các báo cáo lợi nhuận quý I sắp được công bố để xác định mức độ ảnh hưởng các doanh nghiệp phải hứng chịu.
Tổng khối lượng giao dịch ngày 21/4 là 12,1 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 13,2 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần nhất.
Dầu thô chưa ngừng lao dốc, diễn biến tồi tệ nhất trong nhiều năm qua
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex lao dốc 8,86 USD (tương đương 43,4%) xuống 11,57 USD/thùng, sau khi chạm đáy trong phiên là 6,50 USD/thùng. Hợp đồng này đã đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ tháng 02/1999, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Trong khi đó, hợp đồng dầu WTI giao tháng 5, đã hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Ba, vọt 47,64 USD (tương đương 126,6%) lên 10,1 USD/thùng – mức tăng ròng lớn nhất trong một ngày, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Động thái này diễn ra sau khi “bốc hơi” 306% trong ngày thứ Hai (20/04) xuống mức -37,63 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn sụt 6,24 USD (tương đương 24,4%) xuống 19,33 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 02/2002. Hợp đồng này cũng ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 01/1991.
Phiên 20 và 21/4 là hai ngày biến động mạnh nhất trong lịch sử giao dịch dầu. Nhà đầu tư đối mặt thực tại thế giới sẽ dư cung trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa. Mức giảm sản lượng hiện nay là chưa đủ để giảm bớt tình trạng này. Lượng dầu tồn kho thế giới tăng suốt nhiều tuần do Arab Saudi và Nga hồi đầu tháng 3 không thể nhất trí gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng, dẫn đến cuộc chiến giá, và ảnh hưởng từ Covid-19. Đại dịch này đã khiến nhu cầu năng lượng thế giới giảm khoảng 30%
Giavang.net tổng hợp