Việc giá vàng tăng mạnh có nguyên nhân từ việc nhà đầu tư ngày một quan tâm đến vàng. Hoạt động tăng của giá vàng diễn ra khi mà lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 30 năm giảm 6,4 điểm cơ bản xuống 1,9066%, dưới mức thấp chưa từng có trong mọi thời đại là 1,95%.
Vàng không mang lại lợi suất chính vì vậy lợi suất trái phiếu chính phủ giảm sẽ có thể khiến cho nhu cầu với vàng tăng lên.
Phố Wall giảm, cổ phiếu sang tay cao ngất
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones rớt 227,57 điểm (tương đương 0,8%) xuống 28992,41, đánh dấu lần đầu tiên Dow Jones đóng cửa rớt mốc 29000 điểm kể từ ngày 04/02/2020.
Chỉ số S&P 500 lùi 1,1% xuống 3337,75 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 1,8% còn 9576,59 điểm. Dow Jones chứng kiến phiên có thành quả tồi tệ nhất kể từ ngày 07/02/2020.
Như vậy, S&P 500 ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 31/01/2020 và Nasdaq Composite có phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 27/01/2020.
Cổ phiếu Microsoft giảm 3,1%; cổ phiếu Apple giảm 2,26% còn cổ phiếu Intel giảm 1,7%.
Khối lượng cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 8,28 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình của 20 phiên gần nhất là 7,66 tỷ cổ phiếu.
Tính cả tuần, chỉ số Nasdaq giảm 1,6%; chỉ số Dow Jones giảm 1,4% còn chỉ số S&P 500 giảm 1,3%. Chuỗi 2 tuần tăng của mỗi chỉ số chấm dứt.
Giá vàng mở rộng chuỗi tăng giá, lên sát $1650
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao tháng 4 tiến 28,30 USD (tương đương gần 1,8%) lên $1648,80 USD/oz, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 3,9%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 21/06/2019, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay cộng 1,3% lên $1640,50/oz.
Phó giám đốc điều hành tại GoldMining, ông Jeff Wright, nhận xét: “Vàng hiện đang trong giai đoạn tăng nóng, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các cổ phiếu của doanh nghiệp ngành vàng và vàng vật chất”.
Dầu thô giảm nhưng vẫn giữ được đà tăng trong cả tuần
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex lùi 50 xu (tương đương 0,9%) xuống 53,38 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn Luân Đôn mất 81 xu (tương đương 1,4%) còn 58,50 USD/thùng.
Tuần qua, hợp đồng dầu WTI đã tăng 2%, còn hợp đồng dầu Brent vọt 2,1%.
Giá dầu giảm khi thị trường xuất hiện lo ngại mới về nhu cầu tiêu thụ dầu trước tác động của dịch Covid-19, trong khi OPEC và các đồng minh dường như không vội vã trong việc tiếp tục giảm sản lượng dầu.
Theo ông Ole Hansen, trưởng phòng chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, thị trường sắp phải đối mặt với cú sốc lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ dầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. “Cho tới khi người dân Trung Quốc quay trở lại làm việc, dịch Covid-19 vẫn là tâm điểm chính“. Hiện tại, dịch Covid-19 đã lan ra 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, với hơn 76.000 ca nhiễm và 2.250 ca tử vong.
Giavang.net tổng hợp