Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ trong tháng 3 đã giảm kỷ lục 8,7% – mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng kể từ khi công cụ theo dõi bắt đầu hoạt động năm 1992.
Sản xuất tại khu vực New York cũng sụt giảm với biên độ lớn nhất từ trước đến nay xuống mức thấp nhất trong lịch sử, vượt qua cả các mức đã từng được nhìn thấy trong cuộc Đại Suy Thoái. Chỉ số sản xuất Empire State đạt -78.2, vượt qua cả mức tồi tệ nhất trước đó của chỉ số này là -34.3 trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Phố Wall rực sắc đỏ, các cổ phiếu ngân hàng lớn sụt mạnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones giảm 445,41 điểm, tương đương 1,86%, xuống 23.504,35 điểm. S&P 500 giảm 62,7 điểm, tương đương 2,2%, xuống 2.783,36 điểm. Nasdaq giảm 122,56 điểm, tương đương 1,44%, xuống 8.393,18 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 01/04/2020.
Cổ phiếu Bank of America đóng cửa sụt hơn 6% sau khi ngân hàng này công bố lợi nhuận quí I gây thất vọng. Citigroup cũng giảm hơn 5%. Cổ phiếu năng lượng, vật liệu và tài chính là những nhóm diễn biến tiêu cực nhất chỉ số S&P 500, đều giảm trên 4%.
Cổ phiếu J.C. Penny giảm 27,3% do xuất hiện thông tin hãng bán lẻ này đang cân nhắc đệ đơn xin bảo hộ phá sản vì đợt bùng phát virus corona ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 15/4 là 10,95 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 14,28 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Cung – cầu chênh lệch quá lớn, giá dầu rớt thảm
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex lùi 24 xu (tương đương 1,2%) xuống 19,87 USD/thùng, sau khi dao dộng tại mức cao trong phiên là 20,89 USD/thùng. Hợp đồng này đã đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ ngày 07/02/2002, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn sụt 1,91 USD (tương đương 6,6%) xuống 27,69 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 01/04/2020.
Tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 10/4 tăng 19 triệu thùng, mức cao kỷ lục, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Trong khi đó, các cơ sở lọc dầu hạ công suất xuống thấp nhất từ năm 2008 do lực cầu bị ảnh hưởng vì các biện pháp ứng phó đại dịch Covid-19.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo nhu cầu dầu thô sẽ giảm kỷ lục trong năm nay do đại dịch COVID-19, vốn buộc các quốc gia trên thế giới phải đóng cửa nền kinh tế. IEA dự báo nhu cầu giảm 9,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, tương đương với giá trị tăng trưởng của một thập kỷ. Trong tương lai gần, nhu cầu mà Cơ quan này đề cập là “Tháng 4 đen tối” cho thị trường năng lượng, được dự báo rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1995.
Giavang.net tổng hợp