24 C
Hanoi
01/05/2024
Image default
Chứng khoán Kinh tế Tin mới nhất

Phiên 13/7: Phố Wall áp lực vì lạm phát tăng mạnh nhất nhiều năm; Dầu thô vọt gần 2%

Vào ngày thứ Ba, Bộ Lao động Mỹ cho biết lạm phát đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 13 năm.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 5.4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo tăng 5% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Chỉ số CPI cốt lõi, vốn không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, vọt 4,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/1991 và cao hơn nhiều so với dự báo 3,8%.

Phố Wall rời đỉnh kỉ lục, nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm dù báo cáo lợi nhuận tích cực

Đóng cửa phiên giao dịch thứ Ba, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 107,39 điểm, tương đương 0,31%, xuống 34.888,79 điểm.

S&P 500 giảm 15,42 điểm, tương đương 0,35%, xuống 4.369,21 điểm.

Nasdaq giảm 55,59 điểm, tương đương 0,38%, xuống 14.677,65 điểm.

10 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ, bất động sản, hàng tiêu dùng và tài chính đều giảm hơn 1%.

Cổ phiếu JPMorgan Chase giảm khoảng 1,5% ngay cả sau khi công bố lợi nhuận quý II là 11,9 tỷ USD, tương đương 3,78 USD/cổ phiếu, vượt quá ước tính 3,21 USD của các nhà phân tích do Refinitiv khảo sát.

Cổ phiếu của Goldman Sachs cũng giảm khoảng 1,2% sau khi công ty báo cáo lợi nhuận quý II là 15,02 USD/cổ phiếu, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích là 10,24 USD/cổ phiếu. Ngân hàng này đã ghi nhận mức doanh thu quý lớn thứ 2 từ trước đến nay, khi Phố Wall chứng kiến hàng loạt đợt IPO.

Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 13/7 là 9,5 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với trung bình 10,5 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.

Dầu thô giao dịch tương đối tốt, lên trên 75USD mỗi thùng

Chốt phiên giao dịch ngày 13/7, dầu thô Brent tăng 1,33 USD tương đương 1,8% lên 76,49 USD/thùng.

Dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,15 USD tương đương 1,6% lên 75,25 USD/thùng.

Thị trường dầu nhìn chung cải thiện do lực cầu phục hồi còn OPEC+ không thể nhất trí về chính sách tăng cung cho tháng 8 về sau. OPEC+ cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng sản lượng thế giới, từ tháng 4/2020 để hỗ trợ giá dầu. Hạn chế này được nới lỏng dần và hiện còn giảm 5,8 triệu thùng/ngày.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tồn kho toàn cầu trong quý III dự báo giảm mạnh nhất ít nhất một thập kỷ, dựa trên số liệu tồn kho từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hồi đầu tháng 6.

“Thị trường vẫn chưa có đủ nguồn cung để tránh bị thiếu hụt vào cuối năm. Đó chắc chắn là lực đẩy của thị trường”, Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, nói.

Giá dầu còn biến động, theo IEA, cho đến khi các thành viên OPEC+ giải quyết được khác biệt. UAE ngày 2/7 nhất trí đề xuất từ Arab Saudi và các thành viên OPEC+ còn lại về tăng sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12, tức thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, nhưng phản đối gia hạn thỏa thuận từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2022 nếu không điều chỉnh tăng đường sản lượng cơ bản của Abu Dhabi.

Giavang.net tổng hợp

Đang tải....