Phát biểu với báo giới trước thềm cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, bắt đầu từ ngày 4/4 (giờ địa phương), Phần Lan sẽ chính thức là thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này.
Theo Sky News, đây là lần mở rộng đầu tiên của NATO kể từ khi Bắc Macedonia gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới này vào năm 2020. Thông báo của Phần Lan đã được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận. Quan chức này cho biết, việc gia nhập sẽ giúp Phần Lan và các thành viên khác của liên minh an toàn hơn.
Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức giao văn bản phê chuẩn đơn gia nhập liên minh của nước này cho Ngoại trưởng Mỹ Blinken vào 4/4.
Phát biểu trước các phóng viên tại Brussels, Bỉ, ông Jens Stoltenberg nói: “Lần đầu tiên, chúng tôi sẽ giương cao lá cờ Phần Lan tại trụ sở NATO. Đây sẽ là một ngày tốt lành cho an ninh của Phần Lan, cho an ninh Bắc Âu và cho toàn bộ NATO”.
Việc Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022 đã thúc đẩy Phần Lan và người hàng xóm Thụy Điển xin gia nhập NATO, từ bỏ chính sách trung lập quân sự kéo dài hàng thập kỷ.
“Tổng thống Nga Vladimir Putin tấn công Ukraine với mục tiêu ngăn cản sự mở rộng của NATO”, ông Stoltenberg nói. “Ông Putin đã nhận được kết quả ngược với những gì mong muốn”.
Trở ngại cuối cùng đối với tư cách thành viên của Phần Lan đã được loại bỏ vào tuần trước, sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập của Helsinki. Trong khi đó, Ankara vẫn chưa chấp nhận việc Thụy Điển tham gia liên minh quân sự lớn nhất hành tinh.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Stockholm đang chứa chấp các nhóm khủng bố, và yêu cầu Thụy Điển dẫn độ những thành viên này tới Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc phê chuẩn đơn gia nhập NATO.
Hungary cũng từ chối cho phép Thụy Điển gia nhập, do những lời chỉ trích của Stockholm về chính sách của Thủ tướng Viktor Orban. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao NATO kỳ vọng Budapest sẽ chấp thuận yêu cầu gia nhập của Thụy Điển nếu Thổ Nhĩ Kỳ cũng có động thái tương tự.
Tổng Thư ký Stoltenberg cam kết sẽ nỗ lực để Thụy Điển gia nhập NATO càng sớm càng tốt. Ông nhấn mạnh rằng các quan chức NATO và Stockholm đang làm việc để đưa Thụy Điển đến gần hơn với liên minh trong khi nước này chờ đợi tư cách thành viên.
Về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố Nga sẽ tăng cường lực lượng ở phía tây và tây bắc.
Ông Grushko nói với hãng thông tấn nhà nước RIA: “Trong trường hợp lực lượng và nguồn lực của các thành viên NATO khác được triển khai ở Phần Lan, chúng tôi sẽ thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo an ninh quân sự của Nga một cách đáng tin cậy”.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga tuyên bố điều chỉnh lại quân đội nếu Phần Lan gia nhập NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu năm ngoái cho biết Nga đang thực hiện “các biện pháp đối phó thích hợp” và sẽ thành lập 12 đơn vị và sư đoàn ở quân khu phía tây.
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: “Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào quá trình mở rộng NATO diễn ra như thế nào, mức độ mà cơ sở hạ tầng quân sự di chuyển đến gần biên giới của chúng tôi hơn”.
Bộ Ngoại giao Nga khi đó cho biết quyết định gia nhập NATO “chắc chắn” gây ra mối đe dọa đối với Nga.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra bình tĩnh trước thông tin này.
“Đối với việc mở rộng NATO, bao gồm cả việc gia nhập hai thành viên mới tiềm năng là Phần Lan và Thụy Điển, tôi muốn thông báo với các bạn, các đồng nghiệp, rằng Nga không có vấn đề gì với các quốc gia này”, ông Putin cho biết vào tháng 5 năm ngoái.
Giavang.net