Nền kinh tế Mỹ đang chuyển hướng xấu hơn và có khả năng 40% nước này sẽ rơi vào suy thoái kinh tế trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Đây là nhận định được ông Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, đưa ra trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC ngày 16/8.
“Suy thoái luôn là chuyện tất yếu. Câu hỏi duy nhất là khi nào thì suy thoái”, ông Dalio nói. “Tôi cho rằng trong 2 năm tới, cụ thể hơn là trước cuộc bầu cử tiếp theo ở Mỹ, khả năng kinh tế Mỹ suy thoái là 40%”.
Nguy cơ suy thoái toàn cầu
Nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ bị đẩy cao những ngày gần đây, khi một tín hiệu cảnh báo phát đi từ thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ: Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm có lúc xuống dưới lợi suất trái phiếu 2 năm hôm thứ Tư tuần này. Trong 50 năm qua, sự đảo ngược đường cong lợi suất này luôn là một dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế Mỹ sắp xảy ra.
Đáng ngại hơn, dấu hiệu này xuất hiện giữa lúc thương chiến Mỹ-Trung căng thẳng, đe dọa hoạt động thương mại toàn cầu và khiến các doanh nghiệp cắt giảm, trì hoãn quyết định đầu tư.
Một số nền kinh tế đã mấp mé bờ vực suy thoái. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giảm 0,1% trong quý 2 so với quý 1.
Singapore, một trung tâm tài chính của châu Á, cũng chứng kiến GDP giảm trong quý 2.
Cũng với quan điểm bi quan, ngân hàng Morgan Stanley trong một báo cáo ra ngày 16/8 nói rằng kế hoạch của Mỹ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ là một đòn nữa giáng vào nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, và sẽ là một sự thử thách xem liệu Bắc Kinh có thể làm gì để hỗ trợ tăng trưởng.
Trong quý 2, kinh tế Trung Quốc tăng 6,2%, mức tăng yếu nhất trong 27 năm.
Ông Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách nghiên cứu toàn cầu của Morgan Stanley, cho rằng khả năng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái sau 6-9 tháng nữa là 40%.
Những cuộc chiến tiền tệ?
“Tôi cho rằng rủi ro suy thoái đã tăng cao, bởi nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt trở ngại lớn đến từ sự suy giảm niềm tin doanh nghiệp do căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là xung đột thương mại”, ông Kasman nói với CNBC.
Ông Dalio thì cho rằng sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà đầu cơ kỳ cựu này, việc cắt giảm lãi suất muộn trong chu kỳ kinh tế như vậy có thể sẽ không hiệu quả trong việc kích thích tăng trưởng.
Một khi giảm lãi suất không có nhiều tác dụng, các nền kinh tế trên thế giới có thể tìm cách giảm giá đồng nội tệ để hỗ trợ tăng trưởng, ông Dalio nhận định. Một đồng tiền yếu hơn khiến hàng xuất khẩu của quốc gia đó rẻ đi so với hàng hóa của nước khác, và trong một số trường hợp mang lại lợi ích cho thị trường tài chính.
“Vì thế, tôi cho rằng chúng ta sẽ bước vào một thời kỳ mà trong 3 năm tới, các bạn sẽ chứng kiến những cuộc chiến tiền tệ. Trong đó, các nước sẽ có những động thái can thiệp thẳng thừng hoặc thông qua chính sách tiền tệ” để đạt các mục tiêu về tỷ giá – ông Dalio nói.
Theo VnEconomy