26 C
Hanoi
20/04/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Niềm tin người tiêu dùng Mỹ lên mức cao nhất 16 tháng, giá cả đang nóng lên

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng vào tháng Sáu, theo kết quả một cuộc khảo sát của Conference Board công bố hôm thứ Ba, khi sự lạc quan ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng lâu bền như xe có động cơ và thiết bị gia dụng, một biểu hiện của nền kinh tế đang có được động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II này.

Người tiêu dùng cũng quan tâm đến việc mua nhà, một dấu hiệu cho thấy giá nhà sẽ tiếp tục tăng nhanh khi nguồn cung vẫn còn hạn chế. Nhiều người dự định đi nghỉ, chủ yếu ở trong nước trong sáu tháng tới, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ và nhiên liệu cho đi lại.

“Người tiêu dùng như được cởi trói sau hơn một năm bị ‘giam hãm’ ở trong nhà”, Oren Klachkin, nhà kinh tế hàng đầu về Mỹ tại Oxford Economics ở New York, nói. “Nhìn về phía trước, với việc số ca lây nhiễm COVID thấp, việc làm tăng trở lại và tiết kiệm cao hơn sẽ tạo niềm tin và thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu với tốc độ chóng mặt trong mùa hè này”.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board đã đạt 127,3 điểm trong tháng này, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020, từ 120,0 điểm vào tháng Năm. Trước đó, các nhà kinh tế được thăm dò bởi Reuters đã dự báo chỉ số này chỉ ở mức 119,0 điểm.

Trong bối cảnh thị trường lao động đang dần phục hồi, việc hơn 150 triệu người Mỹ đã được tiêm chủng COVID-19 đủ hai mũi cho phép tái gắn kết kinh tế trên phạm vi rộng.

Chứng khoán Phố Wall tăng điểm, với chỉ số S&P 500 đạt mức cao kỷ lục trong phiên thứ tư liên tiếp. Đồng đô la tăng so với rổ tiền tệ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ thấp hơn.

Tuy nhiên, kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới của người tiêu dùng đã tăng lên 6,7%, từ mức 6,5% của tháng trước.

Liên quan đến thị trường lao động, khảo sát của Conference Board cho thấy tình trạng khan hiếm nhân công đang tăng lên, với mức 43,5 vào tháng Sáu, cao nhất kể từ năm 2000, và tăng từ 36,9 vào tháng Năm.

Còn theo khảo sát các nhà kinh tế của Reuters, biên chế phi nông nghiệp có khả năng tăng thêm 690.000 việc làm trong tháng Sáu, sau khi tăng 559.000 vào tháng Năm. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ giảm từ 5,8% xuống 5,7%. Mặc dù tăng trưởng việc làm cải thiện nhưng sự thiếu hụt nhân công sẵn có làm nản lòng nỗ lực tăng cường tuyển dụng của các công ty.

Sự thiếu hụt nhân công được cho là do các khoản trợ cấp thất nghiệp hào phóng, bao gồm cả khoản trợ cấp 300 đô la hàng tuần từ chính phủ liên bang. Việc thiếu các cơ sở chăm sóc trẻ em vì một số trung tâm đóng cửa trong đại dịch không bao giờ mở cửa trở lại cũng đang khiến một số phụ huynh phải ở nhà.

Ít nhất 26 tiểu bang đang chấm dứt trợ cấp thất nghiệp do chính phủ liên bang tài trợ trước ngày hết hạn vào 6/9. Điều này, cùng với việc các cơ sở đào tạo dự kiến ​​sẽ tiếp tục các lớp học trực tiếp vào mùa thu, được cho là sẽ giúp mở rộng nguồn cung lao động.

Trong tháng này, có nhiều người tiêu dùng hơn đã lên kế hoạch mua nhà, ô tô và các thiết bị gia dụng trong sáu tháng tới. Điều đó cho thấy nhu cầu về hàng hóa lâu bền sẽ vẫn tăng mạnh ngay cả khi chi tiêu chuyển sang các dịch vụ như đi máy bay, ăn uống và lưu trú tại khách sạn.

Các nhà kinh tế đang dự báo mức chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng thêm hai con số trong quý này, qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng trưởng với tốc độ 6,4% trong quý đầu năm.

Giá nhà tăng nhanh đang kìm hãm doanh số bán ra, điều này có thể sẽ hạn chế đóng góp của thị trường nhà ở vào tăng trưởng GDP trong quý này. Nhu cầu về nhà ở đang được thúc đẩy bởi tỷ lệ thế chấp thấp trong lịch sử và sự chuyển dịch sang các văn phòng tại nhà trong thời kỳ đại dịch.

Các bộ phận khác của nền kinh tế cũng đang gặp phải tình trạng thiếu hụt và giá cả cao do các nút thắt trong chuỗi cung ứng.

Một báo cáo độc lập phát hành hôm thứ Ba cho thấy chỉ số tổng hợp S&P/Case Shiller của 20 khu vực đô thị đã tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Tư, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/2005, từ mức tăng 13,4% trong tháng Ba.

Việc giá nhà tăng vọt được khẳng định tại một báo cáo của Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang (FHFA), cho thấy chỉ số giá nhà đã tăng kỷ lục 15,7% so với cùng kỳ trong tháng Tư, sau khi tăng 14,0% trong tháng Ba.

Các nhà kinh tế không tin rằng một bong bóng nhà đất mới đang hình thành vì sự gia tăng giá cả chủ yếu là do chênh lệch cung và cầu, chứ không phải là do cho vay dưới chuẩn – yếu tố khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

“Có những yếu tố mang tính cấu trúc đang hiện diện, chẳng hạn như nguồn cung nhà thấp hơn nhu cầu thực tế, thiếu vật liệu và nhân công, và chi phí cao hơn”, Jordan van Rijn, nhà kinh tế cấp cao tại Credit Union National Association, nói.

Theo Thời Báo Ngân Hàng

Tin liên quan

Đang tải....