Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có một kho vũ khí tài chính mạnh để sử dụng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, bao gồm cả trái phiếu Kho bạc Mỹ và tiền tệ. Nhưng việc sử dụng những “vũ khí” này cũng không phải là không có những tổn thất.
Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện thực hóa mối đe dọa sẽ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ mức 10% hiện nay lên 25%, bắt đầu từ ngày 10/5. Tuy nhiên theo Brad Setser – Cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, người hiện đang là thành viên cao cấp về kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, tuyên bố trên không chỉ đơn giản là việc áp thuế theo kiểu ăn miếng trả miếng của Trung Quốc.
Theo Setser, việc nhấn mạnh sẽ trả đũa tương ứng tới từng đồng đôla thuế quan của Mỹ mang hàm ý Trung Quốc sẽ nâng thuế lên 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm cả những sản phẩm phục vụ cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. “Trung Quốc chắc chắn có thể làm điều đó. Nhưng trong nhiều trường hợp, nó sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho Trung Quốc”, vị này cho biết.
Thế nhưng nỗi lo lớn nhất của ông Trump hiện nay là về thị trường tài chính. Sau khi ông tuyên bố có thể tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào Chủ nhật, S&P 500 đã giảm mỗi ngày. Trong khi đó, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – đang sở hữu một số đòn bẩy thị trường mà họ có thể sử dụng khi cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang. Dưới đây là một số trong những vũ khí bí mật đó.
Phá giá nhân dân tệ
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể phá giá đồng nhân dân tệ để bù đắp những tác động mà chính sách thuế quan của Mỹ gây ra đối với nền kinh tế Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài đã suy yếu 5,5% so với đồng USD trong năm 2018 kéo theo đó là những chỉ trích của ông Trump cũng như thúc đẩy những đồn đoán rằng nước này đang cố tình làm suy yếu đồng tiền của mình. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ cũng đã để mất 1,5% giá trị chỉ trong 4 ngày đầu tuần trước, kể từ sau lời đe dọa thuế quan của Trump vào cuối tuần trước đó, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 7/2018.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã phải trả một cái giá khá đắt với việc phá giá đồng nhân dân tệ vào năm 2015 khi mà nó đã kích hoạt dòng vốn bốc hơi và đốt cháy nhanh chóng kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của nước này. Bài học đó có thể là lý do chính khiến Trung Quốc phải cân nhắc với việc đưa ra một hành động tương tự, Tao Wang – Trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc kiêm trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á của UBS Group AG cho biết.
“Trung Quốc không muốn dòng vốn chảy mạnh ra như là hệ quả của việc phá giá đồng nội tệ, bởi điều đó có xu hướng làm giảm niềm tin trong nước”, bà nói. “Ngoài ra, sự mất giá của đồng nhân dân tệ năm ngoái đã khiến chính quyền Trump tức giận và dẫn đến việc Mỹ áp mức thuế cao hơn”.
Mặc dù vậy, tiền tệ vẫn là một trong những tâm điểm của các cuộc đàm phán thương mại. Theo những người quen thuộc với vấn đề này, phía Mỹ vẫn muốn có điều khoản ổn định nhân dân tệ trong thỏa thuận cuối cùng giữa hai bên.
Bán phá giá trái phiếu Kho bạc
Hiện Trung Quốc đang sở hữu 1,1 nghìn tỷ USD nợ của Chính phủ Hoa Kỳ, nhiều hơn bất kỳ chủ nợ nước ngoài nào khác. Nếu Trung Quốc giảm bớt nắm giữ, đó có thể là một cú sốc đối với thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ. Thị trường trái phiếu đã bị xáo trộn vào năm ngoái bởi một báo cáo rằng các quan chức Trung Quốc khuyến nghị chậm lại, thậm chí là tạm dừng mua trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Tuy nhiên theo Ed Al-Hussainy của Columbia Threadneedle Investments, hiện Trung Quốc thực sự không có những lựa chọn tốt khác cho 3,1 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ của mình – kho dự trữ lớn nhất thế giới. Thực tế đó khiến cho việc bán phá giá trái phiếu Kho bạc Mỹ là điều không thể.Hơn nữa, nếu Trung Quốc từ bỏ trái phiếu kho bạc, điều đó có thể khiến giá giảm mạnh, đẩy lợi suất trái phiếu tăng cao hơn; qua đó sẽ phá giá toàn bộ các công cụ nợ của Mỹ mà nước này vẫn đang giữ.
Trên thực tế đến nay giá trái phiếu vẫn tăng chứ không giảm. “Bất kỳ sự biến động tăng mạnh nào của lợi suất trái phiếu Mỹ cũng đều mang lại tác động bất lợi cho việc định giá trái phiếu kho bạc hiện họ (Trung Quốc) đang nắm giữ và có thể châm ngòi cho sự tăng giá mạnh của đồng USD”, chiến lược gia trên nói và nhấn thêm rằng: “Rủi ro ổn định tài chính và ngoại hối của chính sách này có thể lớn hơn lợi ích”.
“Vũ khí” đậu nành
Trung Quốc – người mua đậu nành lớn nhất của Mỹ – đã áp thuế 25% đối với sản phẩm này. Do phần lớn đậu nành được trồng ở các bang miền Trung Tây, những địa phương đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 nên động thái của Trung Quốc đối với mặt hàng cũng rất quan trọng đối với ông Trump.
Trước khi các cuộc đàm phán thương mại trở nên căng thẳng như hiện nay, Trung Quốc đã thực hiện những gì mà Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue mô tả vào tháng hai là một người mua đầy thiện chí. Tuy nhiên hiện triển vọng mua trong tương lai là rất mơ hồ. Theo Brad Setser, trong khi việc phá giá đồng nhân dân tệ hay bán phá giá trái phiếu kho bạc là khó thực hiện hơn, thì việc quay lưng lại với đậu nành lại là một động thái tương đối dễ dàng. “Có một số giải pháp khá dễ dàng để Trung Quốc thực hiện”, bao gồm rút lại việc mua đậu nành, ông nói.
Theo Thời báo Ngân hàng