Kinh tế toàn cầu hiện đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Sự gia tăng xung đột thương mại
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và các nước đối tác lớn đang có những diễn biến không thuận lợi và có thể theo chiều hướng xấu đi trong 6 tháng tới, sẽ dẫn đến việc gia tăng áp đặt các mức thuế quan mới và các rào cản thương mại trên diện rộng, kéo theo đó là các phản ứng trả đũa tại các nước đối tác. Mặc dù một số quốc gia có thể được hưởng lợi nhất định từ việc chuyển hướng thương mại trong ngắn hạn, nhưng những tác động tổng thể gây ra đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ theo hướng bất lợi nhiều hơn.
Theo đó, những gia tăng về xung đột thương mại có thể tạo ra những tác động kinh tế bất lợi đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đồng thời cũng làm gia tăng chi phí thương mại đối với các ngành khác. Ngoài ra, việc gia tăng các mức thuế quan cũng có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng đối với các chuỗi giá trị toàn cầu, làm cản trở sự thông suốt của dòng chảy thương mại, từ đó tác động kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung.
Tiếp tục bất ổn tại khu vực EU
Kinh tế khu vực EU tiếp tục đối mặt với những bất ổn chính trị, trong đó nổi lên là các vấn đề về Brexit, việc thay đổi nhân sự tại Nghị viện châu Âu và những bất đồng về ngân sách tại các quốc gia thành viên.
Việc Anh và khu vực EU vẫn chưa đi đến nhất trí về thỏa thuận Brexit trong khi mốc thực hiện vào tháng 10/2019 đang đến rất gần sẽ tác động mạnh đến sự ổn định của khu vực.
Trước hết, điều này sẽ tạo ra sự gián đoạn đột ngột trong các mối quan hệ thương mại tài chính cũng như dòng tài chính xuyên biên giới giữa Anh và các nước thành viên EU, từ đó có thể tạo ra các biến động trên thị trường tài chính tiền tệ khu vực. Bên cạnh đó, do Anh cũng chiếm tỷ lệ lớn trong việc cho vay xuyên biên giới với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi nên cũng sẽ tạo ra các ảnh hưởng nhất định đến dòng chảy tài chính tại nhóm các quốc gia này.
Trong khi đó, cuộc bầu cử Nghị viện gần đây tại khu vực châu Âu vẫn đang cho thấy phe cực hữu tiếp tục thắng thế, đồng nghĩa với những chia rẽ chính trị tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn trong nội khối, đi kèm với định hướng chính sách của các quốc gia thành viên sẽ mang định hướng hướng nội nhiều hơn.
Điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của khu vực, cũng như có thể làm ảnh hưởng nhất định đến dòng luân chuyển thương mại và tài chính giữa các quốc gia trong nội khối cũng như giữa cả khu vực với kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, việc Anh rời khỏi EU cũng đang đặt ra các thách thức cho khu vực trong việc cố gắng lấp đi khoảng trống ngân sách mà Anh để lại. Cho đến thời điểm hiện tại, các quốc gia thành viên vẫn chưa đi đến được thống nhất trong việc giải quyết bất đồng về ngân sách tương lai cho 19 quốc gia sử dụng đồng Euro.
Với những bất ổn đặt ra như vậy, kinh tế khu vực EU sẽ khó có thể lấy lại được đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2019 và điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nước thành viên mà còn đến đà tăng trưởng của những quốc gia có mối quan hệ thương mại đầu tư chặt chẽ với khu vực.
Áp lực đối với giá dầu
Mặc dù kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhu cầu đối với hàng hóa thế giới suy yếu, nhưng dự báo giá cả hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là giá dầu sẽ tiếp tục biến động do chịu tác động từ các yếu tố địa chính trị, trong đó nổi bật lên là căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông. Căng thẳng tại khu vực này trong thời gian gần đây đã gia tăng mạnh mẽ, trong đó tâm điểm là những bất đồng giữa Mỹ và Iran.
Điều đó đã đẩy giá dầu vọt lên gần 10% chỉ trong vòng nửa cuối tháng 6 và dự báo còn có thể tiếp tục tăng cao hơn trong nửa cuối năm 2019 khi Iran có thể sẽ đóng cửa eo biển Hormuz khiến lượng cung dầu từ Trung Đông trở nên ngày càng hạn chế.
Suy giảm tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng
Những dự báo đang cho thấy khoảng 80% các nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019, trong khi đó kinh tế Trung Quốc trong quá trình tái cấu trúc để hướng đến tăng trưởng cân bằng và dưới tác động từ cuộc chiến thương mại cũng sẽ tiếp tục xu hướng giảm tăng trưởng. Do đó, nhìn chung triển vọng tăng trưởng tại các nền kinh tế chủ chốt rất mờ nhạt trong nửa cuối năm 2019.
Sự suy giảm của các nền kinh tế chủ chốt (trong đó bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, vốn chiếm trên 50% GDP toàn cầu và đóng góp khoảng 80% của tăng trưởng kinh tế toàn cầu) trong năm 2018 sẽ tạo ra những tác động lan tỏa mạnh mẽ đến diễn biến kinh tế thế giới, đặc biệt đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi thông qua các kênh thương mại, tài chính, hàng hóa và niềm tin của giới đầu tư.
Theo dự báo của WB, việc các nền kinh tế chủ chốt suy giảm khoảng 1 điểm phần trăm sẽ kéo theo tăng trưởng toàn cầu giảm 1,7 điểm phần trăm và tăng trưởng tại nhóm các nền kinh tế mới nổi giảm khoảng 1,4 điểm phần trăm.
Thêm nhiều rủi ro trên thị trường tài chính
Sự thay đổi trong định hướng điều hành chính sách tại các NHTW lớn đang tạo ra những tác động khiến thanh khoản thị trường có sự thay đổi, khiến dòng vốn đang có sự dịch chuyển từ các danh mục đầu tư có tính an toàn cao sang các danh mục đầu tư mang tính rủi ro cao hơn, từ đó tiềm ẩn các nguy cơ xuất hiện các hiện tượng đầu cơ đi kèm với các rủi ro tài chính gia tăng, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi vốn là đối tượng rất dễ chịu tác động của tình trạng biến động của các dòng vốn ngắn hạn.
Bên cạnh đó, các điều kiện tài chính nới lỏng cũng là một tín hiệu cảnh báo cho tình trạng nợ toàn cầu tiếp tục gia tăng và sẽ là gánh nặng cản trở đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới khi các điều kiện tài chính trở lại trạng thái bình thường.
Theo Thời báo Ngân hàng