Trong một năm kinh tế bình thường, mùa hè sẽ là “thời vụ” giảm giá của vàng. Tuy nhiên, trong tháng 5 này, bối cảnh khủng hoảng kinh tế bởi đại dịch Covid-19 có thể sẽ làm cho tính thời vụ đó của vàng không còn đúng nữa.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, vàng đã tự “xoay sở” để quay trở lại trên mức 1.700 USD/ounce trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp đặt chính sách thuế quan mới đối với Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Trong tháng 4, giá vàng đã tăng thêm 7%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2019 do những lo lắng về sự sụt giảm trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tính riêng tuần này, vàng đã giảm hơn 1,5%. Theo giới phân tích, giá vàng trong phiên cuối tháng 4 giảm mạnh bởi giới đầu tư thanh lý tài sản để tái cân bằng danh mục, chờ đợi tháng 5 với nhiều yếu tố có thể tác động lên diễn biến giá. Đó là việc nhiều quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại, căng thẳng địa chính trị gia tăng và những dữ liệu kinh tế tồi tệ hơn sẽ được công bố trong thời gian tới.
Kinh tế mở cửa trở lại
Có thể thấy ngày càng nhiều nền kinh tế bắt đầu mở cửa lại. Khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, mối lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai sẽ tăng lên. Tuy nhiên, theo Bart Melek – người đứng đầu chiến lược toàn cầu của TD Securities, việc các nền kinh tế mở cửa trở lại trong thời gian tới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vàng. “Trong ngắn hạn, vàng sẽ bị giới hạn phạm vi và có thể hơi thấp hơn một chút so với mức hỗ trợ khoảng 1.650 USD/ounce. Quý II này có thể sẽ khá khó khăn đối với vàng. Thật khó để vàng lập đỉnh mới, ít nhất là trong phần đầu của quý”, ông Melek nhận định.
“Nhưng về lâu dài, giá vàng sẽ có lợi khi sự chú ý của giới đầu tư chuyển sang vấn đề lạm phát”, Melek nói thêm. “Với hàng loạt các gói kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD, sẽ có những lo ngại mới rằng sự mất cân đối tài khóa trên toàn thế giới này có thể sẽ khiến cung tiền tăng cao và lãi suất thực ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài. Tôi nghĩ vàng sẽ có một con đường rõ ràng để di chuyển lên mức cao hơn”.
Dữ liệu kinh tế ảm đạm
Các nhà đầu tư sẽ phải chứng kiến rất nhiều sự kiện kinh tế tồi tệ xuất hiện vào tháng 5, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp tăng “không kiểm soát” ở Mỹ trong tháng 4. Trước đó, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong 6 tuần qua, tổng số người xin hỗ trợ thất nghiệp từ chính phủ nước này đã lên đến hơn 30 triệu người.
Trong tuần tới, sự chú ý của giới đầu tư sẽ đổ dồn về nội dung cuộc họp của Ngân hàng Nhật Bản cũng như các quyết định chính sách của Ngân hàng Anh.
Tháng 5 này cũng là thời điểm chứng kiến những tác động có thể nhìn thấy từ tuyên bố giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0% của Fed và động thái tương tự của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sau cuộc họp mới diễn ra.
“Càng nhiều ngân hàng trung ương hành động, càng có vẻ như các nhà đầu tư càng cần nắm giữ nhiều vàng hơn để bảo vệ chính mình”, Kristina Hooper, chiến lược gia đầu tư chính tại Invesco nhận định. Bà Hooper nói thêm rằng vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi giá vàng chứng kiến mức cao mới mọi thời đại khi các nhà đầu tư và thị trường phản ứng với các chính sách tiền tệ này.
Căng thẳng Mỹ – Trung Quốc gia tăng
“Đó hoàn toàn là thứ đáng lẽ mọi người nên đặc biệt “cảnh giác”, chuyên gia kim loại quý của Gainwell Coins, Everett Millman lưu ý. “Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, yếu tố kinh tế vĩ mô và địa chính trị gây ảnh hưởng lớn đối với vàng là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, nếu những căng thẳng đó leo thang trở lại, chúng có thể lại trở thành động lực lớn cho thị trường toàn cầu, đặc biệt là nếu Trung Quốc “trả đũa” đối với các động thái của Mỹ”.
Hôm 30/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc bây giờ không quan trọng bằng vai trò của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19. Ông Trump đe dọa sẽ áp các sắc thuế quan mới trên hàng hóa của Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ các biện pháp mà Trung Quốc có thể thực hiện sẽ thực hiện ra sao, tuy nhiên theo The Washington Post, một số khoản nợ khổng lồ của Mỹ do Trung Quốc nắm giữ có thể bị huỷ bỏ.
Những căng thẳng này chắc chắn sẽ được phản ánh trong giá vàng. “Có vẻ như ông Trump ám chỉ rằng sẽ gia tăng áp lực với Trung Quốc và buộc họ phải chịu trách nhiệm cho một phần của sự suy thoái kinh tế này”, chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures, Phillip Streible nhận định. “Có thể cắt giảm một số khoản thanh toán nợ của Mỹ với Trung Quốc. Việc này sẽ lấy đi lợi thế trong thị trường trái phiếu. Mặc dù điều đó sẽ khó xảy ra bởi có thể gây ra sự phân nhánh nghiêm trọng ở Mỹ, nhưng nó đã khiến một số nhà đầu tư rời bỏ thị trường trái phiếu để đến với thị trường vàng.”
Không thể quên về tính thời vụ
Nếu 2020 là một năm bình thường, thị trường vàng sẽ chứng kiến giá suy yếu trong những tháng mùa hè do tính thời vụ của kim loại quý này. Hầu như mọi năm, vàng sẽ hoạt động tốt trong quý I và quý IV, nhưng ở thời điểm giữa năm, rất hiếm khi vàng tăng cao trừ khi có trường hợp khẩn cấp địa chính trị hoặc một số loại khủng hoảng tài chính. “Nhưng năm nay rõ ràng không phải là một năm thông thường và các điều kiện thời vụ có thể không còn đúng nữa”, Millman lưu ý và khuyến cáo rằng các nhà đầu tư cần phải chờ đợi và xem xét nhiều hơn.
Vàng sẽ chạm mức 1.800 USD/ounce vào tháng 5?
Chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures, Phillip Streible cho biết, ông rất lạc quan về vàng. “Tôi nghĩ 1.700 USD là vùng giá trị tốt, và tôi mong chờ thị trường sẽ nắm giữ chắc chắn ở 1.660 USD”.
Tuy nhiên, một chuyên gia kim loại quý khác lại cảnh báo: “Bởi vì thị trường đã ở trên mức 1.500 USD trong một thời gian dài nên vẫn có chút rủi ro rằng giá sẽ giảm sâu. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra trong tháng 5. Nhưng nếu có, phạm vi biến động có thể sẽ rộng hơn, vàng sẽ rơi xuống dưới mức 1.500 USD”.
Theo KITCO