Lối đi nào cho nước Anh, nền kinh tế lớn thứ 2 trong EU chỉ sau Đức? Brexit sẽ theo hướng nào? Đi hay ở? Hay cuộc “ly hôn” này vẫn dùng dằng?
Quốc hội Anh bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit của chính phủ Thủ tướng Anh Theresa May. Sự kiện này mang tính quyết định về tương lai của Vương quốc Anh trong liên minh châu Âu (EU).
Thỏa thuận được đem ra bỏ phiếu ngày 15/1 chính là thỏa thuận mà bà May đã đạt được với liên minh châu Âu nhưng văn bản này vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Anh, sau 20 tháng trời đàm phán ròng rã.
Năm 2016, hơn 30 triệu người Anh đã tham gia bỏ phiếu, quá nửa trong số đó chọn rời bỏ EU. Cuộc bỏ phiếu lịch sử đó được gọi là “cuộc ly hôn” đau đớn. Vì vậy, dù có như thế nào, nước Anh vẫn khó có thể lật lại tình thế.
Bản thỏa thuận Brexit của chính phủ Anh qua được cuộc bỏ phiếu tối 15/1 ở Hạ viện. Kịch bản này sẽ khiến mọi thứ đơn giản nhất. Anh sẽ rời liên minh châu Âu theo kế hoạch vào ngày 29/3 nhưng giống một cuộc rời đi kỹ thuật, vì ngay sau ngày 29/3 sẽ là giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến hết năm 2020.
Trong thời gian chuyển tiếp này, các ràng buộc giữa 2 bên liên quan đến hải quan, khu vực thị trường chung, kể cả là luật pháp, vẫn chưa thay đổi. Nhưng hiện tại, dư luận Anh vẫn đang nghiêng nhiều hơn về khả năng bản thỏa thuận không vượt qua được cuộc bỏ phiếu ngày 15/1 ở Hạ viện.
Trong trường hợp này, các bước diễn ra tiếp theo là Chính phủ Anh sẽ có cơ hội đưa lên một bản thỏa thuận điều chỉnh để bỏ phiếu lại sau 3 tuần nữa. Nếu vẫn không được thông qua, Quốc hội Anh sẽ tự xây dựng một bản thỏa thuận mới và tiếp tục bỏ phiếu lần nữa.
Nói chung, những kế hoạch phát sinh này sẽ khiến vấn đề trở nên rối hơn rất nhiều, vì một bản thỏa thuận chia tay phải có được sự đồng ý của cả phía châu Âu nữa chứ không chỉ dựa trên ý muốn của người Anh. Mà EU đã nhấn mạnh rất nhiều lần rằng họ và Chính phủ Anh đã đàm phán ra được bản thỏa thuận tốt nhất và không có ý định điều chỉnh gì thêm. Trong trường hợp không có bản thỏa thuận nào được thông qua cho đến ngày 29/3, đó sẽ là một sự chia tay không thỏa thuận giữa 2 bên.
Trong trường hợp có một Brexit không có thỏa thuận, điều này có ý nghĩa gì đối với giới doanh nghiệp và nền kinh tế Anh?
Giới phân tích thậm chí đã có những con số cụ thể về từng khía cạnh trong nền kinh tế Anh có thể bị ảnh hưởng bởi kết quả Brexit không thỏa thuận. Họ dùng từ thảm hoạ khi nói về kết cục này.
Ngân hàng Trung ương Anh đánh giá Brexit không thỏa thuận sẽ kích hoạt một đợt suy thoái sâu và dài cho nền kinh tế và còn tệ hơn những gì đã diễn ra trong khủng hoảng tài chính 2008. GDP có thể giảm 8% ngay năm 2019 này, giá nhà giảm 30%, thất nghiệp từ 4,1% có thể lên 7,5%, lạm phát tăng gấp 3 mức 2% hiện nay. Đó là vài con số vĩ mô.
Tác động trực tiếp nhất rõ ràng là doanh nghiệp, do mối quan hệ mật thiết về thị trường giữa Anh với các nước EU, và 44% hàng xuất khẩu của Anh là vào EU.
Bản thân Ngân hàng trung ương Anh đánh giá doanh nghiệp nước này gần như không có nhiều chuẩn bị cần cho khả năng Brexit không thỏa thuận. Thay vào đó, trong những tháng cuối năm 2018, họ chủ yếu chỉ duy trì cầm chừng hoạt động.
Các lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế như ngân hàng, kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, gần như không tăng trưởng trong tháng 12/2018.
Trong trường hợp không có thỏa thuận, ngay lập tức Anh không còn ở trong thị trường tài chính châu Âu. Các định chế tài chính Anh sẽ mất quyền bán dịch vụ của mình trên thị trường liên minh châu Âu, trong khi hiện tại, London đang là nơi thực hiện quá nhiều các giao dịch tài chính cho cả khu vực. Tất cả các nghiệp vụ như thanh toán bù trừ, thanh toán giao dịch tài chính, đặc biệt là các công cụ phái sinh như tương lai, quyền chọn, giao dịch hoán đổi, vốn đang tập trung quá nhiều ở London.
Ngân hàng trung ương Anh ước tính khoảng 38.000 tỷ USD giá trị các hợp đồng phái sinh sẽ bị tác động bởi Brexit không thỏa thuận.
Theo VTV