Sáng 11/9, yen có lúc tăng gần 0,8% so với USD, lên 146,6 yen đổi một đôla Mỹ. Nội tệ Nhật Bản mạnh lên nhờ các bình luận cuối tuần trước của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda.
Theo đó, cơ quan này có thể chấm dứt chính sách lãi suất âm nếu họ nhận thấy mục tiêu lạm phát 2% sắp đạt được.
Trong bài phỏng vấn trên tờ Yomiuri, Ueda nói rằng từ giờ đến cuối năm, BOJ có thể có đủ dữ liệu để đánh giá việc sẽ chấm dứt lãi suất âm hay không.
“Ueda đang đặt nền tảng cho việc rời khỏi chính sách lãi suất âm. Ông ấy đang đưa ra rất nhiều thông báo”, Matt Simpson – nhà phân tích thị trường cấp cao tại City Index – cho biết.
Vài tháng qua, đồng yen chịu sức ép so với USD khi chính sách lãi suất của Mỹ và Nhật Bản ngược nhau. Trong khi Mỹ liên tiếp nâng lãi để ghìm lạm phát, Nhật Bản vẫn giữ nguyên lãi suất âm. Việc này khiến nhà đầu tư bán yen để chuyển sang các kênh khác cho lợi nhuận cao hơn.
“Chúng tôi dự báo chính sách lãi suất âm sẽ chấm dứt trong quý I/2024. Ueda có thể đang bắt đầu khuyến khích thị trường diễn biến theo kịch bản này”, Takeshi Ishida, chiến lược gia tiền tệ tại Resona Bank, nhận xét.
Dù vậy, với việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn trên 4%, Ishida cho rằng xu hướng của yen sẽ rất khó đảo ngược chỉ với đồn đoán về khả năng sửa đổi chính sách.
Chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa Nhật Bản và Mỹ là yếu tố chính khiến JPY suy yếu và khiến USD – đồng tiền có lãi suất cao hơn trở nên hấp dẫn hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm cao hơn khoảng 360bps so với trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản. Đồng yen Nhật đã mất giá khoảng gần 11% trong năm nay và tiến gần đến mức thấp nhất trong hơn ba thập kỷ.
Kiyoshi Ishigane, giám đốc nguồn vốn tại Công ty quản lý tài sản Mitsubishi UFJ Kokusai, cho biết: “Thống đốc Ueda dường như đã đưa ra những bình luận khi xem xét tới sự mất giá gần đây của đồng yen. BOJ có thể sẽ từ bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất trong năm nay, nhưng không phải ai cũng tin rằng họ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm cùng lúc đó.”
Các quan chức Nhật Bản cho biết họ sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu cần, nhưng một số người trên thị trường vẫn nghi ngờ về việc liệu chính quyền có hành động ngay bây giờ hay không.
“Tốc độ mất giá của đồng yen đã chậm hơn so với năm ngoái và không được coi là một ‘động thái đầu cơ’, khiến việc can thiệp mua đồng yen trở nên khó khăn. Những bình luận diều hâu của ông Ueda có thể nhằm mục đích kiểm soát sự mất giá của đồng yen”, Naomi Muguruma, chiến lược gia trái phiếu của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities ở Tokyo cho biết.
Dữ liệu mới nhất cho thấy tốc độ tăng lương của người lao động Nhật Bản bất ngờ chậm lại trong tháng 6, điều này cho thấy thị trường lao động có thể đang mất đà và giảm đi triển vọng đạt được mục tiêu lạm phát bền vững. Con số này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều đề xuất về việc tăng lương ở tất cả các nhóm bên trong lực lượng lao động và một số biện pháp tăng lương vẫn đang được thực hiện.
Joseph Capurso và Kristina Clifton của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia viết trong một báo cáo chiến lược tiền tệ: “Tăng trưởng tiền lương vẫn còn yếu. Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USDJPY sẽ tiếp tục đà tăng vào cuối tuần này.”
Các thông tin về đồng yen được nhiều người lao động Việt Nam quan tâm
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam 47.215 lao động làm việc tại thị trường Nhật Bản.
Trong bối cảnh đồng Yen rớt giá, lao động Việt Nam ở Nhật Bản đang tìm mọi cách để thích ứng và trang trải cuộc sống. Nhiều người trở nên e ngại trong việc đổi tiền để gửi về cho gia đình do bị “lỗ nặng” và tiếc công sức làm việc. Thậm chí, có những người lựa chọn phương án “gom tiền” chờ đợi đồng yen hồi phục.
Làm việc tại Nhật được 5 năm, chị Nguyễn Thị Luyện (làm việc tại tỉnh Chiba, Nhật Bản) cho biết thu nhập thời gian gần đây bị giảm mạnh do đồng yen mất giá.
“Sau một vài năm làm việc tại Nhật, tôi đã tích cóp đủ tiền trả nợ và xây nhà cho gia đình. Nhận thấy thu nhập ổn định, tôi đã định hướng cho em gái học tiếng để qua đây làm việc cùng. Tuy nhiên gần đây giá đồng yen giảm mạnh, tôi dừng chuyển tiền cho gia đình và chờ tiền tăng trở lại mới đổi ra VND, đồng thời tôi cũng chưa cho em gái qua đây”.
Chị Đỗ Thị Kim Ngân (làm việc tại tỉnh Nagoya, Nhật Bản) cho biết đang chờ đợi đồng yen tăng giá trở lại để gửi tiền cho gia đình. “Sau thời gian giá đồng yen giảm tôi vẫn đang chờ đợi thời điểm tăng trở lại. Trước đây 10.000 yen đã đổi được 2,1-2,2 triệu đồng, tuy nhiên sau đó chỉ còn khoảng 1,6 triệu đồng. Đồng yen giảm xuống ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của tôi”.
Giavang.net