30 C
Hanoi
27/06/2024
Image default
Đầu tư vàng Tin mới nhất Vàng

Nhận định của chuyên gia về việc bán vàng của NHNN

(GVNET) – Đánh giá về việc bán vàng trực tiếp đến người dân thông qua các ngân hàng Big4 (Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank), chuyên gia cho rằng đây là phương án phù hợp trong giai đoạn hiện nay, nhưng cũng chỉ là giải pháp trong ngắn hạn.

Phương án mới nhất của Ngân hàng Nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu ổn định thị trường vàng và kéo giảm chênh lệch giữa vàng trong nước và quốc tế, sau 9 phiên đấu thầu vàng miếng nhưng kết quả không được như kỳ vọng.

Theo đánh giá của TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phương án Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho nhóm Big4 là phương án phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Mục đích của bán can thiệp vàng là để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi.

Ông Phước cho rằng với phương thức này khoảng cách chênh lệch giá trong nước và nước ngoài sẽ nhanh chóng được thu hẹp, đồng thời lưu ý rằng điểm cốt yếu nhất trong phương án can thiệp mới này thì chính là cơ chế giá.

“Vấn đề là Ngân hàng Nhà nước bán cho ngân hàng thương mại giá nào và các ngân hàng bán ra thị trường giá nào”, ông đặt vấn đề.

Theo ông, phương án này cần xác định cách tiếp cận rõ ràng là ngân hàng thương mại nhận ủy thác vàng từ Ngân hàng Nhà nước và bán ra thị trường theo giá Ngân hàng Nhà nước quy định. Không đặt ra yêu cầu để các ngân hàng thương mại kiếm lời trong nghiệp vụ ủy thác này.

“Chẳng hạn giá thị trường 88 triệu đồng/lượng vàng trong khi giá nhập khẩu 72 triệu đồng/lượng, chênh lệch 16 triệu. Ngân hàng Nhà nước quy định giá bán ra thị trường là 86 triệu đồng/lượng thì các ngân hàng thương mại mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước với giá 85,9 triệu đồng/lượng, tức hưởng phí hoa hồng ủy thác 100.000 đồng mỗi lượng. Mỗi lần bán can thiệp thì thu hẹp chênh lệch giá xuống khoảng 2 triệu đồng. Tôi tin rằng trong khoảng 10 phiên thì chênh lệch giá chỉ còn lại vài ba triệu đồng”, ông Trương Văn Phước phân tích.

Vị chuyên gia này đánh giá nhìn chung phương án nào cũng có thuận lợi và khó khăn nhưng đây là phương án phù hợp với bối cảnh hiện tại. “Giá vàng biến động không hề đơn giản, khó mà đoán định đâu là đáy. Việc thực thi phương án can thiệp mới tôi nghĩ là phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay”, ông nói.

Theo TS. Cấn Văn Lực – Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho hay đây là một biện pháp tăng nguồn cung.

Giải pháp này được coi như “chỉ định thầu” và có thể thay thế cho đấu thầu vàng miếng vừa qua. Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định mức giá hợp lý dựa trên giá vàng thế giới. Điều quan trọng là bán vàng thông qua các ngân hàng Big4 thì giá bán phần lớn sẽ phụ thuộc vào giá mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vì nếu cộng với biên lợi nhuận của các ngân hàng cũng không chênh quá 1 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, việc thông báo cung ứng cho các ngân hàng sẽ hạn chế khả năng bị làm giá, thao túng giá vàng vì theo Ngân hàng Nhà nước người dân “cần mua bao nhiêu, có bấy nhiêu”.

Tuy nhiên, ông Lực cũng khẳng định việc bán vàng qua nhóm ngân hàng Big 4 chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài cần đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá trên thị trường vàng thì mới có thể xử lý được câu chuyện chênh lệch giá.

Thứ hai là giải pháp căn cơ, lâu dài hơn là phải tăng nguồn cung vàng bằng việc cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu.

Thứ ba, là phải bỏ đi câu chuyện nhập khẩu, từ độc quyền vàng miếng, độc quyền nhập khẩu, bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC. Và cuối cùng là sớm sửa Nghị định 24 do các quy định đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại và sứ mệnh chống vàng hoá đã được hoàn thành.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....