(GVNET) – Tóm tắt
- Giá vàng thế giới đang gặp khó trong việc trở lại vùng đỉnh, giao dịch hiện neo dưới mốc 2730 USD.
- Trong nước, giá vàng nhẫn biến động nhẹ, giằng co quanh đỉnh kỷ lục 89 triệu đồng/lượng.
- Được hỗ trợ mạnh từ các yếu tố trong và ngoài nước, chưa tìm được lý do khiến vàng nhẫn bớt “nóng”.
Nội dung
Trong khi giá vàng thế giới đang tụt khá xa so với vùng đỉnh kỷ lục gần 2760 USD của mình, thị trường vàng nhẫn trong nước gần như chững lại với diễn biến đi ngang hoặc giảm không quá 100.000 đồng/lượng, đỉnh cao nhất mọi thời đại 89 triệu đồng vẫn đang hiện diện.
Cập nhật lúc 12h ngày 25/10, nhẫn SJC niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 87,00 – 88,50 triệu đồng/lượng, giá mua và bán cùng đi ngang so với chốt phiên 24/10.
Nhẫn Bảo Tín Minh Châu, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 87,88 – 88,98 triệu đồng/lượng, đi ngang cả hai chiều mua – bán so với đóng cửa phiên trước.
Phú Quý, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 87,90 – 89,00 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua, giữ nguyên chiều bán so với chốt phiên thứ Năm.
Doji giảm 100.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua, giao dịch hạ về mức 87,90 – 88,90 triệu đồng/lượng.
VietNamgold cũng giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua và bán so với giá chốt phiên trước, xuống còn 87,80 – 88,80 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng SJC đi ngang phiên thứ 3 liên tiếp tại mốc 89 triệu đồng/lượng, duy trì chênh lệch với vàng nhẫn ở mức 0 đồng.
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch ở ngưỡng 2728 USD/ounce, thấp hơn 30 USD so với đỉnh kỷ lục 2758 USD đạt được trong ngày 23/10. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.800 VND/USD) giá vàng đạt 85,79 triệu đồng/lượng (đã cộng thuế, phí), thấp hơn vàng nhẫn 3,2 triệu đồng, tăng 100.000 đồng so với hôm qua.
Nhiều yếu tố kết hợp khiến giá vàng nhẫn trong nước vẫn neo cao dù giá thế giới suy yếu: Tâm điểm mùa cưới cũng như nhu cầu mua vàng của nhà đầu tư trong nước tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế, tạo ra sự mất cân đối giữa cung và cầu. Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn, thị trường chứng khoán ảm đạm và kênh đầu tư bất động sản đòi hỏi vốn dày, làm cho kim loại quý nổi lên như một tài sản an toàn, dễ tiếp cận.
Mặc dù vàng thế giới đã “hạ nhiệt” so với đỉnh, nhưng vẫn ở mức cao và được dự báo có thể lên tới 2.800 USD, thậm chí là 3.000 USD/ounce vào năm 2025 khi bất ổn địa chính trị tiếp tục leo thang; bất ổn trong cuộc bầu cử Mỹ và hành trình hạ lãi suất của các NHTW lớn mới chỉ bắt đầu. Triển vọng này khiến các nhà đầu tư trong nước tiếp tục nắm giữ hoặc mua vào mạnh, rất ít người bán ra, càng làm nguồn cung vàng trên thị trường bị trở nên eo hẹp.
Giavang.net