Hôm 24/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Chính phủ nước này sẽ xóa nợ sinh viên cho nhiều đối tượng cũng như giãn thanh toán các khoản nợ phải trả đến cuối năm nay. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế lo ngại quyết định của ông Biden có thể thúc đẩy lạm phát.
Tổng thống Biden cho biết, chính quyền Mỹ sẽ xóa 20.000 USD tiền nợ cho những sinh viên đã vay tiền học đại học theo chương trình hỗ trợ tài chính liên bang và xóa 10.000 USD tiền nợ cho những người không đủ điều kiện tham gia chương trình này. Việc xóa nợ sẽ được áp dụng cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm và một số đối tượng khác.
Trong tuyên bố đưa ra 3 tháng trước bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội, ông Biden khẳng định đang thực hiện đúng cam kết tranh cử khi giúp “các gia đình lao động và trung lưu dễ thở hơn”, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch.
Đồng thời, ông nhấn mạnh sẽ không có hộ gia đình thu nhập cao nào được hưởng lợi từ đề xuất của mình.
Tuy nhiên, kế hoạch cũng vấp phải sự phản đối của những nghị sĩ Cộng hòa cho rằng việc xóa nợ sinh viên ở bất kỳ mức độ nào cũng là “không công bằng” với những người đã phải làm việc vất vả và dành dụm để trả nợ trước đó.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cho rằng việc giảm nợ sẽ “tiêu tốn nguồn lực có thể được sử dụng tốt hơn cho những người không có cơ hội học đại học”.
Cuối cùng, có ý kiến lo ngại rằng việc xóa nợ sinh viên sẽ giúp giải phóng hàng trăm tỷ USD cho chi tiêu tiêu dùng và thúc đẩy lạm phát.
Các khoản nợ sinh viên tại Mỹ được tạm hoãn kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong năm qua, nhiều thành viên Đảng Dân chủ đã kêu gọi ông Biden xoá khoảng 50.000 USD cho mỗi người vay.
Năm 2020, sinh viên tốt nghiệp đại học tại Mỹ vay trung bình 30.000 USD (khoảng 680 triệu đồng), tăng từ mức 16.000 USD vào đầu những năm 1990. Sự gia tăng này tiếp tục diễn ra trong năm học 2021-2022 ở cả trường công lập lẫn tư thục.
Giavang.net