Đại dịch coronavirus đã đóng băng thị trường vàng Trung Quốc, làm xáo trộn nhu cầu tại thời điểm các nhà đầu tư ở những nơi khác trên thế giới đang ‘ca ngợi’ vì sự an toàn của quý kim.
Trung Quốc là đất nước với lực mua vàng miếng, vàng xu và đồ trang sức lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, việc phong tỏa quốc gia để ngăn chặn virus đã khiến các trung tâm, địa điểm giao dịch vàng phải đóng cửa, trong khi phí bảo hiểm để mua kim loại ở Trung Quốc ở mức âm. Điều này khiến ngành công nghiệp vàng Trung Quốc sẽ phải bước qua một con đường dài để phục hồi, ngay cả khi Bắc Kinh cố gắng bắt đầu tiêu dùng rộng hơn với một chiến dịch nhằm đưa người dân ra khỏi nhà mua sắm.
Những nỗ lực chưa thành công tại Trung Quốc có thể tạo ra một cơn gió ngược đối với giá vàng – tài sản từng vượt ngưỡng cao 7 năm $1700 hồi tháng trước. Tài sản trú ẩn an toàn truyền thống cũng phải đối mặt với lực cản từ việc tiêu thụ bán lẻ chậm hơn ở Ấn Độ, Châu Âu và Hoa Kỳ, cũng như quyết định bất ngờ của Nga về việc dừng mua hàng của ngân hàng trung ương. Năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 tổng nhu cầu vàng là 4.356 tấn, theo Hội đồng Vàng thế giới.
“Nhu cầu vàng trong nước sẽ phục hồi rất chậm”, Zhang Yongtao, Giám đốc điều hành của Hiệp hội vàng Trung Quốc cho biết. “Ngay cả sau khi ngành tiếp tục sản xuất, một vấn đề lớn là không có đơn đặt hàng”, ông nói.
Doanh số bán lẻ vàng, bạc và trang sức của Trung Quốc đã giảm 41% trong 2 tháng đầu năm. Zhang ước tính rằng số lượng trang sức vàng được bán trong quý đầu tiên sẽ giảm ít nhất một nửa, thiết lập một sự suy giảm đáng kể trong cả năm. “Người tiêu dùng sẽ không trở lại để mua trang sức vàng cho đến khi đại dịch kết thúc và các nhà đầu tư Trung Quốc cũng không sẵn lòng mua vàng bằng tiền gửi tiết kiệm của họ tại thời điểm này”, ông nói.
Sự lo lắng tương phản với một loạt các hoạt động trên thị trường toàn cầu tuần trước, các nhà máy lọc vàng đóng cửa và các chuyến bay bị hoãn, tạo ra một sức ép lớn đối với hợp đồng tương lai vàng ở New York khi các thương nhân tranh giành để có đủ kim loại vật lý để đáp ứng các cam kết của họ.
Câu chuyện ‘đóng băng’ cũng xuất hiện khi nền kinh tế Trung Quốc trở lại bình thường và số các ca nhiễm mới ở mức rất thấp so với thời gian trước. Cả nước đã quay trở lại làm việc khoảng 90% vào cuối tuần trước, theo Bloomberg Economics. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn do dự sau nhiều tuần cảnh báo của chính phủ về sự nguy hiểm của việc tiếp xúc với người khác, và khi áp lực tài chính gia tăng trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng.
Nhu cầu giảm cực mạnh
Các nhà bán lẻ trang sức đã cảm nhận sự thiệt hại rõ rệt. Luk Fook Holdings International Ltd. đã đưa ra cảnh báo lợi nhuận vào tháng 3 sau khi doanh số bán hàng trên đại lục giảm 37% trong 2 tháng đầu năm.
“Hầu hết các cửa hàng của tập đoàn ở Trung Quốc đại lục mở cửa trở lại vào tháng 3 với sự cải thiện hoạt động giao hàng tại nhà, trong khi khách hàng đến thăm cửa hàng ở Hồng Kông và Ma Cao vẫn còn thưa thớt” Phó Giám đốc điều hành Nancy Wong cho biết. “Chắc chắn rằng sẽ mất một thời gian để doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường”.
Phí bảo hiểm giá vàng tại Trung Quốc “đã giảm xuống mức âm – chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính”, Citigroup Inc. cho biết trong một lưu ý trong tuần này. Ngân hàng cho biết tiêu thụ đồ trang sức có thể đạt mức thấp chưa từng thấy trong hơn một thập kỉ qua.
Haywood Cheung, chủ tịch Hiệp hội trao đổi vàng và bạc Trung Quốc, chuyên kinh doanh vàng và bạc vật chất ở Hồng Kông, cho biết thị trường vẫn lo ngại về những hạn chế xung quanh việc cung cấp vàng thỏi – điều tạo thêm biến động giá.
Việc cắt giảm sản lượng tại các nhà tinh chế vàng sẽ giúp tăng giá, ông nói, trong khi các điều kiện rộng hơn vẫn hỗ trợ cho vàng thỏi. “Ngay cả khi tình hình virus cải thiện, chúng ta sẽ tiếp tục thấy lãi suất thấp hơn, thị trường chứng khoán yếu hơn và nới lỏng tiền tệ toàn cầu, điều này sẽ hỗ trợ giá vàng”, ông nói.
Giavang.net