Thị trường ngoại tệ trong năm nay được dự đoán sẽ tiếp tục ngủ yên trong khi giá vàng có thể tiếp tục nổi sóng lớn.
Ngay những ngày đầu năm mới 2020, giá vàng liên tục lập đỉnh cao. Chỉ tính riêng ngày 27 và 28-1, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới đã vượt mốc 1.580 USD/ounce, tăng hơn 4% so với đầu năm. Còn nếu so với đầu năm 2019, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 24%.
Tại thị trường Việt Nam, giá vàng miếng cũng tăng phi mã. Đơn cử ngày 28-1 có thời điểm giá bán vàng SJC vọt lên trên 44,7 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 550.000 đồng/lượng so với mùng 1 tết.
Lo ngại virus Corona xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) lây lan đang thúc đẩy việc mua tài sản trú ẩn an toàn, trong đó có vàng. Đặc biệt thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, giá dầu bốc hơi mạnh và nỗi sợ hãi càng làm tăng thêm tâm lý sợ rủi ro. Đó là lý do chính đẩy vàng tiếp tục tăng giá.
Găm giữ USD lỗ to
Tại báo cáo về thị trường tài chính tiền tệ công bố mới đây, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định: Khác với xu hướng tăng khi bước vào mùa cao điểm, tỉ giá và lãi suất trong tháng cuối năm 2019 khá bình lặng. Tính riêng tháng 12-2019, tỉ giá giao dịch USD/VND giảm 30 đồng/USD trên ngân hàng, về mức 23.080-23.230 VND/USD.
Nhìn lại cả năm 2019, tỉ giá USD/VND chỉ có một đợt sóng duy nhất quanh tháng 5-2019 khi quan hệ thương mại Mỹ-Trung trở nên căng thẳng. Tỉ giá của ngân hàng thương mại đạt đỉnh 23.360-23.480 VND/USD, tăng khoảng 0,84%-0,97% so với cuối năm 2018 nhưng nhanh chóng hạ nhiệt trong vài tuần sau đó.
“Tỉ giá cả năm hầu như đi ngang và có chiều hướng giảm vào cuối năm. Tính chung cả năm, tiền đồng không những không giảm mà còn tăng giá so với USD là 0,16%” – SSI nhận định.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng phân tích: Tính đến tháng 12-2019, những ai nắm giữ USD đang thua lỗ với chênh lệch tỉ giá VND/USD giảm 0,06% so với đầu năm. Tỉ giá vẫn ở mức ổn định trong hai tháng cuối năm do chính sách cung tiền thận trọng và tăng trưởng tín dụng thấp.
Về phía nhà đầu tư, bà Nguyễn Kim Liên ở quận 2, TP.HCM chia sẻ bà không đổ hết vốn vào vàng, USD hay địa ốc mà chia thành nhiều giỏ. Riêng giỏ USD thì năm 2019 thực sự lỗ vốn nặng do gửi ngân hàng thì không có lãi mà găm giữ suốt 12 tháng trong năm ngoái chỉ lời chưa tới 1%.
“Đây là mức lời quá thấp so với vàng, lãi suất tiết kiệm, cho thuê căn hộ hay đầu tư vào đất nền” – bà Liên than thở.
Giá vàng liên tiếp nổi sóng lớn
Điều đáng chú ý là trong khi tỉ giá USD trong năm 2019 chỉ nhích nhẹ thì thị trường vàng lại có một năm bừng sáng sau tám năm lặng sóng. Từ mức giá 37 triệu đồng/lượng hồi đầu năm đến cuối năm ngoái, giá kim loại quý trên thị trường trong nước đã lên ngưỡng 43 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 6 triệu đồng/lượng.
Bước sang tháng đầu tiên năm 2020, diễn biến phức tạp của dịch cúm tại Vũ Hán, bất ổn tại Trung Đông chưa hạ nhiệt… tiếp tục đẩy giá vàng lên mốc cao mới.
Dù giá vàng liên tục leo thang nhưng việc giao dịch trên thị trường lại khá bình lặng. Giải thích về hiện tượng này, bà Võ Thị Hới, chủ một tiệm vàng lớn ở Đà Nẵng, cho hay nhiều người không dám ôm vàng do rất khó đoán định được xu hướng của giá vàng thế giới.
“Đó là lý do dù giá vàng biến động lớn nhưng sức mua của người dân không tăng, không có những giao dịch đột biến. Phần lớn vẫn là các giao dịch nhỏ lẻ, mua để tích góp nhiều hơn mua để đầu tư” – bà Hới nói.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia vàng, cho rằng do vàng đã ngủ yên quá lâu nên cơ hội tăng giá trong tương lai là có thực. Tuy vậy, cần lưu ý đầu tư vào vàng sẽ khó có lợi trong ngắn hạn. Ngoài ra, giá vàng còn bị ảnh hưởng bởi tỉ giá và chính sách vàng.
Giá dầu, nhân dân tệ… đi xuống
Nhiều thị trường chứng khoán sụt giảm khi các nhà đầu tư lo lắng về tác động kinh tế do sự bùng phát virus Corona mới gây bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ có thời điểm giảm hơn 0,3%, xuống còn 6,9625 nhân dân tệ đổi 1 USD. Tâm lý lo lắng về những ảnh hưởng đến nền kinh tế do virus Corona cũng gây áp lực với giá dầu và giá cả các hàng hóa khác.
“Nếu hai điều này có biến động sẽ làm nhà đầu tư khó có lời. Chưa kể khi giá vàng biến động thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng sẽ nới rộng chênh lệch giữa giá mua bán, do đó lướt sóng vàng trong ngắn hạn sẽ khiến nhà đầu tư có nguy cơ gặp rủi ro lớn” – ông Khánh nói.
Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển đánh giá rằng giá vàng trong nước chịu sự tác động mạnh nhất từ giá vàng thế giới và tỉ giá USD/VND. Hiện có một số dự báo giá vàng lên 2.000 USD/ounce, tương đương 56 triệu đồng/lượng vào năm 2020. Tuy vậy, tỉ giá dự báo sẽ ổn định trong năm 2020 sẽ khiến giá vàng trong nước khó vượt qua mức cao kỷ lục của năm 2019, mà nhiều khả năng trở lại mức của các năm 2018, 2017, tức là chỉ dao động tăng hay giảm 1%-2%.
Các chuyên gia có chung nhận định rằng thông thường tháng đầu tiên của năm là một tháng tốt cho giá vàng nhưng điều đó không có nghĩa là kim loại quý sẽ tiếp tục tăng cao hơn. Song nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào vàng vì nếu giá vàng tăng cũng là cơ hội để kiếm lời. Có điều không nên bỏ tất cả tiền vào một chỗ mà nên tách ra đầu tư vào chứng khoán, nhà đất, gửi tiết kiệm, trái phiếu…
“Về khả năng sinh lời, tôi chấm vàng là kênh đầu tư hàng đầu, sau đó đến chứng khoán, nhà đất. Tuy nhiên, tôi chỉ xếp vàng là kênh đầu tư an toàn thứ ba, đứng trước chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp nhưng sau tiền gửi ngân hàng và bất động sản” – một chuyên gia phân tích.
Thận trọng trong việc giảm giá mạnh VND
Nhận định về tỉ giá năm 2020, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng: Áp lực đối với tỉ giá năm 2020 sẽ đến từ xu hướng tiếp tục yếu đi của đồng nhân dân tệ Trung Quốc (dự báo sẽ mất giá thêm 3%-4% nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang) và các đồng tiền thị trường mới nổi khác khiến sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam giảm.
“Rủi ro Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ là một rủi ro lớn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng trong việc giảm giá mạnh VND. Dự báo VND sẽ giảm giá tối đa khoảng 2% trong năm 2020” – BVSC nhấn mạnh.
Tương tự, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Ngay cả khi tình hình kinh tế thế giới có những biến động phức tạp thì với kinh nghiệm về điều hành tỉ giá chủ động, linh hoạt, đồng bộ nhiều công cụ của Ngân hàng Nhà nước, đồng Việt Nam có thể mất giá so với USD tối đa từ mức khoảng 1%-2%”.
Theo PLO