Đây là khẳng định của ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước trong cuộc trao đổi với phóng viên chiều nay.
Khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, liên tiếp lập đỉnh mới. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày hôm nay (23/3), giá đồng bạc xanh có bước tăng đột biến.
Cập nhật tới cuối giờ chiều nay, giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại đã đồng loạt vượt mốc 23.700 đồng/USD.
Như tại Vietcombank, đồng USD đang được niêm yết ở mức 23.600 – 23.760 VND/USD, tăng tới 140 đồng so với giá mở cửa buổi sáng. Còn so với chốt cuối tuần trước, mỗi USD đã tăng tới 230 đồng.
Tương tự, tại các ngân hàng khác như VietinBank, BIDV, ACB, Eximbank, Techcombank, Sacombank, giá USD cũng tăng vọt từ 160 đến 200 đồng so với cuối tuần trước.
Về diễn biến này, trao đổi với phóng viên chiều nay, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm 2020 cho đến trước Tết Nguyên đán, trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào và thị trường quốc tế thuận lợi, tỷ giá thị trường khá ổn định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được lượng lớn ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối.
Sau Tết Nguyên đán, mặc dù thị trường ngoại tệ chịu áp lực nhất định từ các diễn biến liên quan đến dịch Covid-19 nhưng tỷ giá biến động không quá lớn, một số ngày tỷ giá giảm về sát tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng tiếp tục bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước.
“Tuy nhiên, từ đầu tuần trước, tỷ giá có xu hướng tăng khi biến động trên thị trường tài chính thế giới ngày càng mạnh. Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường về cơ bản vẫn thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời”, ông Hà cho biết.
Lý giải nguyên nhân của việc tỷ giá tăng trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đồng tiền trên thế giới biến động, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng mất giá.
Mặc dù ngân hàng trung ương các nước đã liên tục có các động thái chính sách để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhưng các chính sách này cần có độ trễ trước khi tác động hiệu quả tới thị trường.
Cùng với xu hướng đó, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ cũng tăng trong thời gian qua khi biến động trên thị trường quốc tế và diễn biến của dịch Covid-19 tác động tới tâm lý thị trường trong nước.
“Tuy nhiên, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2020 và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3/2020. Trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ”, lãnh đạo này cho biết.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự phòng các kịch bản có thể xảy ra, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.
“Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết. Với tiềm lực ngoại tệ sẵn có như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết tại mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay với quy mô lớn, dưới hình thức giao ngay và kỳ hạn (nếu cần) để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Hà cho biết.
Theo Bizlive