Ngày 28/3, Belarus tuyên bố họ đã quyết định tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, sau nhiều năm chịu áp lực từ Mỹ và đồng minh nhằm thay đổi định hướng chính trị và địa chính trị của nước này.
Bộ Ngoại giao Belarus giải thích rằng nước này đồng ý để Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ do đối mặt với áp lực từ các nước phương Tây.
Bộ Ngoại giao Belarus nêu rõ trong tuyên bố hôm 28/3: “Trong hai năm rưỡi qua, Belarus phải chịu áp lực chính trị, kinh tế và thông tin chưa từng có từ Mỹ, Anh cùng các nước NATO khác, cũng như các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU)”.
Theo Bộ Ngoại giao Belarus, những áp lực này buộc Minsk phải hành động để đảm bảo an ninh quốc gia. “Trước những tình huống này, cũng như những lo ngại chính đáng và rủi ro trong lĩnh vực an ninh quốc gia phát sinh từ chúng, Belarus buộc phải phản ứng bằng cách tăng cường khả năng an ninh và phòng thủ của chính mình”, tuyên bố cho hay.
Belarus cũng khẳng định các kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus sẽ không trái với các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế vì Belarus sẽ không có quyền kiểm soát vũ khí này.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 25/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này dự kiến hoàn tất việc xây dựng một cơ sở để triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus vào đầu tháng 7. Theo ông Putin, việc này về bản chất không có gì khác việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở các nước châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Chúng tôi đã giao tới Belarus hệ thống cực kỳ hiệu quả và nổi tiếng Iskander, có thể mang vũ khí hạt nhân. Ngày 3/4, chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện và ngày 1/7 sẽ hoàn tất việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus”, ông Putin nói trên kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 25/3.
Loại vũ khí hạt nhân được Nga đề cập là vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW), được hiểu là các loại vũ khí hạt nhân dùng cho các mục đích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, chứ không dùng cho mục đích hủy diệt trên diện rộng, ví dụ hủy hoại các thành phố lớn.
Việc triển khai sẽ đánh dấu lần đầu tiên vũ khí hạt nhân của Nga được triển khai bên ngoài biên giới kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Tuyên bố này đã nhanh chóng đẩy căng thẳng giữa Nga, Belarus và phương Tây tăng lên.
Tổng thống Putin nói rằng người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus. Ông đảm bảo rằng thỏa thuận với Belarus không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của hai nước về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nga cũng sẽ chỉ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus, chứ không chuyển giao số vũ khí này cho Minsk.
Giavang.net