Việc cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+ đã khiến giá dầu tăng vọt. Theo CNBC, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ tác động tới những nước nhập khẩu dầu lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc nếu giá trở lại ngưỡng 100 USD/thùng.
Ngày 2/4, OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) đột ngột tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng/ngày. Theo đó, các nước sẽ bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện vào tháng 5 và kéo dài đến hết năm 2023. Cả Saudi Arabia và Nga sẽ giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Trong khi các quốc gia thành viên OPEC như Kuwait, Oman, Iraq, Algeria và Kazakhstan cũng sẽ cắt giảm sản lượng.
Ông Pavel Molchanov – Tổng giám đốc ngân hàng đầu tư tư nhân Raymond James, cho rằng quyết định này như một loại thuế đánh vào những nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ.
“Mỹ không phải là nước chịu tổn thất lớn nhất khi giá dầu đạt mốc 100 USD/thùng mà là những nước không có nguồn tài nguyên xăng dầu trong nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp…”, ông Molchanov nêu ra một số ví dụ.
Henning Gloystein – Giám đốc của Eurasia Group, một công ty tư vấn và nghiên cứu về rủi ro chính trị toàn cầu, cũng cho biết: “Những khu vực chịu ảnh hưởng nhất từ việc cắt giảm nguồn cung và giá dầu tăng vọt là những nơi phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.
“Điều đó có nghĩa những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất là những ngành công nghiệp ở thị trường mới nổi, vốn phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là ở Nam và Đông Nam Á cũng như các ngành công nghiệp nặng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu ở Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông nói.
Ấn Độ – quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 3 trên thế giới và đã mua dầu của Nga với giá chiết khấu cao kể từ khi lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga. Theo dữ liệu của chính phủ, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ đã tăng 8,5% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái.
“Mặc dù họ vẫn đang thu lợi từ việc hưởng chiết khấu dầu từ Nga, nhưng họ đã bị thiệt hại do giá than và khí đốt tăng cao. Nếu giá dầu tăng cao hơn nữa, ngay cả giá dầu thô giảm của Nga cũng sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Ấn Độ”, ông Henning Gloystein cho biết.
Nhật Bản, dầu mỏ là nguồn năng lượng quan trọng nhất và chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung cấp năng lượng của nước này.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: “Không có sản xuất trong nước đáng chú ý, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô, với khoảng 80-90% đến từ khu vực Trung Đông”.
Đối với Hàn Quốc, theo công ty nghiên cứu độc lập Enerdata, dầu mỏ chiếm phần lớn nhu cầu năng lượng của Hàn Quốc. “Hàn Quốc và Ý phụ thuộc hơn 75% vào dầu nhập khẩu”, ông Pavel Molchanov cho biết.
Theo Henning Gloystein – Giám đốc điều hành Eurasia Group, châu Âu và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng rất nhiều nếu giá dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc ít hơn một chút do sản xuất dầu trong nước, trong khi toàn bộ châu Âu chủ yếu dựa vào hạt nhân, than đá và khí đốt tự nhiên thay vì nhiên liệu hóa thạch trong hỗn hợp năng lượng chính của họ.
Ông Molchanov cũng cho rằng, một số thị trường mới nổi “không có nhiều ngoại tệ để nhập khẩu nhiên liệu này” sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu giá dầu lên mức 100 USD/thùng. Đó là những nước như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Pakistan. Đặc biệt Sri Lanka, đất nước vừa không có nguồn dầu trong nước vừa phụ thuộc 100% vào nhập khẩu, dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông Molchanov cho rằng giá dầu sẽ không thể neo cao vĩnh viễn. Về lâu dài, giá cả sẽ trong mức như hiện nay, 80-90 USD/thùng hoặc hơn.
Bên cạnh đó, ông Henning Gloystein cho rằng: “Một khi dầu thô đạt 100 USD/thùng và giữ nguyên ở đó, điều này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất thực sự tăng sản lượng trở lại”.
Giavang.net