Ra đời cách đây 14 năm, P2P Lending là hình thức đầu tư và huy động vốn ngang hàng sử dụng nền tảng công nghệ (platform) để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu về vốn, không thông qua trung gian tài chính truyền thống.
Với điểm mạnh là khả năng lưu trữ dữ liệu lớn, giải ngân nhanh, linh hoạt và chi phí thấp hơn so với cách thức vay truyền thống, P2P Lending đã phát triển mạnh mẽ tại các nước Âu – Mỹ, nhanh chóng lan rộng sang thị trường châu Á như Singapore, Indonesia, Malaysia… và đặc biệt là tại Việt Nam, quốc gia có gần 60% dân số trong độ tuổi lao động và nhu cầu mua sắm, chi tiêu đang tăng vọt trong 5 năm trở lại đây.
Tổng quan thị trường
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có 68 công ty Fintech hoạt động với quy mô 4,4 tỷ USD (2017) và dự đoán sẽ lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Mô hình Fintech giúp các hoạt động tài chính trở nên dễ dàng hơn qua ứng dụng công nghệ, giảm thiểu tối đa thời gian, với các giao dịch thỏa thuận hoàn toàn trực tuyến. Nền tảng blockchain đảm bảo thông tin được lưu trữ, bảo mật tuyệt đối.
Một trong những mô hình Fintech đáng lưu ý là mô hình kinh doanh P2P Lending hoạt động nở rộ trong thời gian gần đây.
Thị trường P2P Lending hiện nay ước tính sẽ có mức tăng trưởng lên tới 53%/năm và có thể đạt tới giá trị 490 tỷ USD vào năm 2020, được các chuyên gia kinh tế đánh giá có thể trở thành hình thức tín dụng phổ biến toàn cầu.
Tuy nhiên, thị trường còn có nhiều công ty chưa hoạt động đúng bản chất của P2P Lending.
Nền tảng P2P Lending
Một mô hình P2P Lending đúng bản chất là phải kết nối người vay và người cho vay thông qua nền tảng trực tuyến, mà không cần phải gặp mặt trực tiếp, các hợp đồng online và chữ ký số được sử dụng như công cụ xác thực cá nhân mạnh nhất.
Thực hiện được điều này đòi hỏi các công ty P2P Lending phải đảm bảo được yếu tố công nghệ, như chấm điểm tín dụng, thẩm định tài chính một các chính xác, bảo mật và khoa học, đảm bảo mọi giao dịch thuận tiện cho khách hàng.
Không chỉ vậy, các nhà đầu tư cũng tìm thấy những lợi thế của P2P Lending như một cách để tiếp cận các start-up triển vọng. Nói đơn giản, nền tảng P2P Lending tạo lập một không gian “mai mối” tin cậy giữa doanh nghiệp start-up và nhà đầu tư.
Chỉ những công ty P2P Lending tại Việt Nam đi từ công ty công nghệ hoặc có đối tác công nghệ nước ngoài tốt, đồng thời kết hợp với phân tích thông tin tín dụng chính xác mới có thể đưa ra một dịch vụ P2P Lending đúng bản chất và tối ưu.
Khó khăn khi triển khai
Việc triển khai hoạt động thông tin tín dụng tại các tổ chức trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau như: cơ sở hành lang pháp lý quy định hoạt động của các loại hình tổ chức này chưa hoàn thiện; sự biến tướng của các hoạt động cho vay online như huy động tài chính đa cấp, huy động vốn để cho vay, phát sinh nợ xấu mất khả năng thanh toán và thực hiện chức năng thanh toán trung gian bất hợp pháp nhằm chiếm dụng vốn, làm ảnh hưởng đến những công ty P2P chính thống.
Giavang.net