Nền kinh tế Venezuela đang bị “tấn công” bởi tình trạng đô la hóa, dẫn đến bất bình đẳng thu nhập trầm trọng giữa những người có kiều hối gửi về từ nước ngoài và những người sống dựa vào đồng lương được trả bằng nội tệ bolivar.
Người dân chuyển sang sử dụng đô la
Đồng nội tệ bolivar của Venezuela mất giá trầm trọng do tình trạng siêu lạm phát, khiến đất nước này ngày càng phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Trong nhiều tháng qua, đồng đô la thâm nhập sâu rộng vào các giao dịch hàng ngày khi mức lạm phát ở đây được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lên đến mức 10.000.000% trong năm nay.
Giờ đây đồng bolivar chủ yếu được sử dụng để thanh toán bằng thẻ ghi nợ và các giao dịch chuyển tiền ở ngân hàng. Nhiều cửa hàng bán các nhu yếu phẩm yêu cầu khách trả bằng đô la.
Vụ mất điện trên diện rộng ở Venezuala hồi đầu tháng 3 khiến các máy cà thẻ ghi nợ không thể hoạt động và rất ít người dân mang theo số lượng đồng bolivar lớn để mua hàng hóa nên đồng bạc xanh trở thành phương thức thanh toán chủ yếu.
Ông Martin Xabier, chủ một tiệm bánh nướng ở quận Catia, thủ đô Caracas, nói: “Dù điện đã khôi phục nhưng chúng tôi gặp phải tình trạng kết nối chập chờn ở các máy cà thẻ và các ngân hàng. Mọi người đang phải mang theo đô la để mua bánh”.
Tại một khu chợ ở quận Chacao, Caracas, đồng đô la đang ngự trị trong các giao dịch mua bán. Maria del Carmen Pereira, chủ một cửa hàng bán đồ ăn nấu sẵn ở Chacao, nói: “Mọi người đang thanh toán bằng đô la. Chúng tôi chỉ chấp nhận tiền mặt nhưng mọi người không có đủ đồng bolivar. Nếu có đủ, họ phải dùng cả xe cút-kít để chở tiền tới mua”.
Chị Roxana Pena, một người dân ở TP. Maracaibo, một trung tâm dầu mỏ ở phía Tây Venezuela, nói: “Ở đây, mọi thứ đều được thanh toán bằng đô la: pho mát, chuối, bánh mì, sạc điện thoại, đá lạnh”.
Pena cho biết cô chứng kiến hàng người xếp hàng dài mấy kilomet chỉ để mua những tảng đá lạnh giá 5 đô la để bảo quản thực phẩm tươi.
Hiện nay, mỗi đồng đô la quy đổi được 3.000 bolivar nhưng tờ tiền có mệnh giá cao nhất của Venezuela là 500 bolivar, chỉ đương đương 17 cent. Đây là những đồng bolivar mới sau khi đã được xóa 5 con số 0 vào năm ngoái để đối phó lạm phát.
Lương trung bình của người dân Venezuela đã giảm mạnh, chỉ còn tương đương 6 đô la mỗi tháng. Song phần lớn thực phẩm và các nhu yếu phẩm của Venezuela đều nhập khẩu nên giá cả của chúng trở nên quá đắt đỏ so với mức thu nhập của người dân, chẳng hạn như một con gà bán trong các siêu thị ở Caracas có giá 3-4 đô la.
Tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế Venezuela bắt đầu tăng nhanh kể từ tháng 8 năm ngoái khi chính phủ nước này cho phép các ngân hàng và công ty dịch vụ ngoại hối bán đồng đô la.
Henke Garcia, Giám đốc công ty phân tích kinh tế Econometrica, nói: “Tình trạng đô la hóa có liên quan đến lạm phát và đó là nguyên nhân cơ bản. Vụ mất điện có thể làm tăng tốc tình trạng này khi nhiều người chuyển sang xu hướng nhận thanh toán bằng đô la. Xu hướng này giờ đây không thể đảo ngược”.
Nền kinh tế đang phụ thuộc vào kiều hối
Liên hợp quốc ước tính khoảng 3,4 triệu người Venezuala đã rời bỏ đất nước để đến các nước như Chile, Colombia, Ecuador, Peru và Tây Ban Nha… kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra cách đây ba năm. Nhiều người trong số họ đang gửi kiều hối về cho những người bà con ở quê nhà nhưng hàng triệu người Venezuela khác không có được phao cứu sinh tài chính đó.
Các nhà kinh tế cho biết hơn 25% người dân Venezuela, khoảng tám triệu người, giờ đây sử dụng đô la để thanh toán trong các giao dịch hàng ngày, từ mua kem cho đến sửa chữa xe cộ.
Họ dự báo các kiều dân Venezuela dự kiến sẽ gửi khoảng 4 tỉ đô la kiều hối về cho người nhà của họ ở Venezuela trong năm nay, tăng so với 1,9 tỉ đô la trong năm 2018. Ngoài ra, 1,5 tỉ đô la khác sẽ được người dân Venezuela rút ra từ các tài khoản ở nước ngoài của họ trong năm nay.
Eduardo Fortuny, Chủ tịch công ty tư vấn Dinamica Venezuela, cho biết các nguồn tiền đô la đó sẽ vượt nguồn thu ròng 4,7 tỉ đô la từ dầu mỏ của nước này trong năm nay. Ông cho rằng đô la hóa ở nền kinh tế Venezuela về bản chất là sự chuyển đổi từ một nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ sang một nền kinh tế phụ thuộc vào kiều hối.
Vấn đề đối với hàng triệu người dân Venezuela khác là họ không tiếp cận được đồng đô la và điều này tạo nên tình trạng “bất bình đẳng thu nhập cực độ”, theo Asdrubal Oliveros, Giám đốc công ty tư vấn chính sách kinh tế Econanalitica ở Caracas.
Ông Oliveros cho rằng sự lên ngôi của đồng đô la trong nền kinh tế ngầm đang tạo ra “hai thực tế” đối lập ở Venezuela. Những người dân có kiều hối đô la từ nước ngoài, có tài sản bằng đô la hoặc có cơ sở kinh doanh bán hàng hóa giá đô la có thể chống chọi tốt trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Số người dân còn lại, khoảng 75% dân số (30 triệu người), chứng kiến sức mua họ dần biến mất do tình trạng siêu lạm phát.
Jackson de Avila, một nhân viên bảo vệ, đang nhận lương bằng đồng bolivar ở Caracas, là một trong những số đó. Anh than thở: “Chênh lệch thu nhập giữa những người nhận kiều hối và những người không có kiều hối đang nới rộng từng phút và giá cả đang tiếp tục tăng. Tôi thậm chí không lo đủ bữa ăn cho các con tôi. Tiền công làm việc 12 tiếng mỗi ngày của tôi chỉ đủ mua 1,5 kg pho mát”.