Trong các số báo ra ngày 10-1 và 14-1, ĐTTC đã có bài “Kinh tế Mỹ 2019 sẽ ra sao?” phân tích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump châm ngòi chiến tranh thương mại với Trung Quốc, dẫn đến 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu lẫn nhau, khi đó mọi bên đều sẽ gánh chịu những tổn hại. Đến nay, Mỹ và Trung Quốc vẫn còn cách xa mục tiêu chấm dứt cuộc chiến thương mại. Liệu kinh tế Trung Quốc có chịu đựng được trước nhiều sức ép đang diễn ra dồn dập.
Cú sốc ở Ôn Châu
Zhu Jun, một doanh nhân làm giày ở Ôn Châu, Chiết Giang, cho biết ông đã rơi nước mắt khi một tòa án thành phố đã siết nợ chiếc xe cưng của ông. Công ty Wenzhou Yi He Footwear Ltd. của Zhu đã phá sản 2 tháng trước do khách hàng chậm thanh toán và Zhu lại không cấp được tài sản thế chấp để vay thêm tiền. Thế là chiếc Audi Q7 của ông đã được tòa án đem đi bán để trả lương cho công nhân. “Thật là quá tàn nhẫn đối với các doanh nghiệp tư nhân. Vấn đề thanh toán chưa bao giờ nghiêm trọng như thế trong suốt 4 năm Công ty hoạt động”, Zhu nói.
Thành phố Ôn Châu trở nên nổi tiếng vì đã sản sinh ra những tỉ phú khởi nghiệp trong suốt thời hoàng kim của ngành sản xuất Trung Quốc. Nhưng giờ đây, thành phố này đang bị bao phủ bởi bầu không khí u ám khi liên tiếp hứng chịu những cú sốc khiến cho Ôn Châu, cỗ máy công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc, bị chững lại. Chiến tranh thương mại với Mỹ, nhu cầu nội địa yếu ớt, chi phí tăng lên và việc Chính phủ Trung Quốc thẳng tay đối với hoạt động cho vay của nền kinh tế ngầm và tình trạng ô nhiễm… tất cả đang khiến các doanh nghiệp tại đây cảm thấy khó sống.
Thậm chí trước khi xảy ra tranh chấp thương mại với Mỹ, khách hàng lớn nhất của Trung Quốc, thì nhiệm vụ của Chính phủ trong việc chuyển dịch nền kinh tế từ các ngành thâm dụng lao động sang ngành dịch vụ và các công nghệ có thế mạnh cũng đã rất khó khăn. Bởi lẽ, tổng nợ hiện đã hơn gấp 2,5 lần GDP và vào tuần qua, các chuyên gia kinh tế dự báo Chính phủ sẽ công bố tăng trưởng năm 2018 ở mức 6,6%, chậm nhất trong gần 30 năm qua. Niềm tin doanh nghiệp đang sa sút và chi tiêu tiêu dùng đang chậm lại.
Đằng sau những con số này là những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mặc dù hoạt động kinh tế toàn cầu có xu hướng đi theo chu kỳ, nhưng biến động tại Trung Quốc lại ảnh hưởng sâu rộng hơn thế. “Nhiều công ty đang rơi rụng và chi phí đang tăng mạnh đã tạo sức ì rất lớn lên hoạt động kinh doanh.
Nhưng điều này cũng buộc họ phải chuyển đổi mô hình. Trong vài năm nữa, tôi tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ hoàn toàn khác”, Tao Dong, Phó Chủ tịch bộ phận Trung Quốc tại Credit Suisse Private Banking ở Hồng Kông, nhận định.
Tại thành phố cảng 9 triệu dân ở tỉnh Đông Nam Chiết Giang, các doanh nghiệp thoát được cuộc suy giảm kinh tế này dường như sẽ là các doanh nghiệp biết điều chỉnh cho phù hợp với quá trình chuyển dịch của nền kinh tế.
Midpoint Group, nhà sản xuất các thiết bị như hệ thống đèn kiểm soát bằng giọng nói, máy đo huyết áp, đã chứng kiến lợi nhuận tăng 10% vào năm 2018 với doanh thu đạt 200 triệu nhân dân tệ (29,6 triệu USD), theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Zhu Chenghua. Công ty này cho biết họ đã giữ được vị thế bằng cách chuyển sang hàng hóa có giá trị cao hơn và chi 5% doanh thu vào R&D. Năm nay, Công ty sẽ ra mắt một hệ thống dựa trên camera có thể giám sát người lớn tuổi ở nhà.
Không giống các cuộc suy giảm kinh tế trước đó, các nhà làm chính sách lần này đã không bơm vốn vay ồ ạt để kích thích tăng trưởng, thay vào đó duy trì các biện pháp kích thích tăng trưởng có đích ngắm để “dẫn dắt” đà suy giảm từ từ, chống sốc cho nền kinh tế.
Sức ép từ nhu cầu
Trang mạng jrj.com.cn mới đây đăng bài viết của nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc Phan Hướng Đông phân tích khái quát về tình hình kinh tế Trung Quốc và thế giới năm 2018, dự báo tình hình năm 2019. Theo bài viết, năm 2019 kinh tế Trung Quốc có chiều hướng suy thoái, thất nghiệp gia tăng, vật giá sụt giảm, việc nới lỏng chính sách tiền tệ dễ rơi vào cạm bẫy thanh khoản, tài chính tuy tích cực nhưng khó khăn chồng chất, không gian hạn chế.
Sức ép gây sụt giảm nền kinh tế Trung Quốc năm 2019 chủ yếu đến từ nhu cầu bản thân. Động cơ ổn định tăng trưởng của chính phủ mạnh lên, tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng có thể tăng trở lại, nhưng bị hạn chế bởi nguồn vốn và tính tích cực của chính quyền địa phương, mức độ tăng lên có thể có hạn. Tuy nhiên, cải cách cơ cấu nguồn cung năm 2019 có thể dần dần đi từ giảm đến tăng, mức độ thu hẹp nguồn cung có sự thuyên giảm.
Việc này có lợi cho việc giảm bớt sức ép khiến kinh tế đi xuống. Áp lực lạm phát không lớn, nhưng phải quan tâm đến sự tác động của nguồn cung. Tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm và giá cả hạ thấp dẫn đến việc một số rủi ro kinh tế tiềm tàng như sự thu hẹp bảng cân đối kế toán, nợ địa phương.
Tương tự, trang ftchinese.com nhận định năm 2019, sức ép gây suy thoái kinh tế Trung Quốc chủ yếu đến từ nhu cầu. Bài viết cho rằng do nhu cầu sụt giảm, nên giá cả phải đối mặt với rủi ro giảm phát. Nền kinh tế đi xuống và giá cả giảm phát sẽ khiến rủi ro nợ địa phương dần dần lộ rõ. Theo bài viết, mấu chốt của xu thế kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 nằm ở sự dự đoán về hành vi và hiệu quả của chính sách.
Năm 2019, sự điều chỉnh chủ động của tổ hợp chính sách sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Đây cũng là lý do chính khiến không nên bi quan về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc trong dài hạn. Một số biện pháp sẽ được áp dụng. Thứ nhất, giới hạn chính sách tiền tệ được nới lỏng.
Năm 2019, Ngân hàng Trung ương sẽ giữ lập trường không quá nới lỏng hay quá thắt chặt, mà duy trì sự ổn định và nới lỏng có giới hạn trong chính sách tiền tệ.
Thứ hai, chính sách tài chính sẽ tiếp sức cho chính sách tiền tệ, trở thành công cụ chủ yếu để quản lý nhu cầu ngắn hạn.
Thứ ba, dựa trên quan điểm cơ bản của “đòn bẩy ổn định”, việc giám sát tài chính có hy vọng tập trung vào tăng cường quản lý rủi ro về tính thanh khoản, đặc biệt là ngăn chặn rủi ro thanh khoản chuyển sang rủi ro tín dụng của nền kinh tế thực, tránh bùng nổ tình trạng “giảm phát-nợ” dưới tác động cao của đòn bẩy.
Cục diện mới
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã đưa nhận định, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang xúc tiến các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận cho cuộc tranh chấp thương mại vốn bùng phát từ năm ngoái. Theo kế hoạch, một phái đoàn cấp cao của Trung Quốc sẽ tới thủ đô Washington vào tuần tới để tiến hành đàm phán, nỗ lực tìm một giải pháp trước ngày 1-3.
Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyên bố sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc từ ngày 2-3, trừ khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump cũng muốn Bắc Kinh chấm dứt chính sách buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, cho phép doanh nghiệp Mỹ dễ dàng tiếp cận thị trường và giảm các hàng rào phi thuế quan khác đối với sản phẩm của Mỹ.
Trong khi đó, phía Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các khiếu nại về lạm dụng sở hữu trí tuệ và bác bỏ cáo buộc các công ty nước ngoài phải đối mặt với việc chuyển giao công nghệ cho nước này. Hiện nhiều công ty của cả hai nước đang chịu thiệt hại từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Như vậy, quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ đã chuyển sang cục diện mới. Triển vọng trong năm 2019, quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ vẫn là nhân tố khó đoán định lớn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc. Theo đó, có thể thấy cường độ thực tế của cuộc đọ sức kinh tế Trung-Mỹ trong năm 2019 biến động liên tục, thể hiện cục diện “áp lực ngắn hạn giảm đi, đọ sức dài hạn tiếp tục kéo dài”.
Nhiều khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ từ bỏ một phần hợp tác, nhưng ít khả năng từ bỏ hợp tác toàn diện. Cụ thể, 2 bên sẽ tiến hành cuộc đọ sức chính sách thông thường, nhưng ít khả năng tiến hành cuộc chiến tranh lạnh toàn diện, thực hiện một số chính sách bất hợp lý và thể hiện sự đối lập, nhưng xác suất xảy ra xung đột chính sách mất kiểm soát một cách tổng thể rất nhỏ.
Thứ tư, bên cạnh việc hình thành sự hợp lực trong quản lý nhu cầu ngắn hạn, cải cách mở cửa một cách kiên định mới là biện pháp căn bản để phá vỡ cục diện khó khăn ở trong và ngoài nước, nâng cao tiềm năng lâu dài.
Tổng hợp