38 C
Hanoi
27/04/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Mỹ: Chính phủ thoát khỏi nguy cơ phải đóng cửa; Chủ tịch Hạ viện đối mặt với rủi ro mất chức

Ngày 30/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn nguy cơ chính phủ đóng cửa. Đạo luật này giúp phân bổ ngân sách để bảo đảm chính phủ liên bang có thể duy trì hoạt động đến ngày 17/11 tới.

Trước đó cùng ngày, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật với sự ủng hộ áp đảo của Đảng Dân chủ sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy từ chối yêu cầu bỏ phiếu riêng của những người theo đường lối cứng rắn trong Đảng Cộng hoà.

Cụ thể, Hạ viện thông qua dự luật với tỷ lệ 335 phiếu thuận – 91 phiếu chống nhằm cấp ngân sách cho chính phủ thêm 45 ngày nữa. Khoảng 209 hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ ủng hộ dự luật và đảng này mô tả cuộc bỏ phiếu là một chiến thắng.

Sau đó Thượng viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách tạm thời mà Hạ viện gửi lên, với tỷ lệ 88 phiếu thuận – 9 phiếu chống.

Dự luật do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề xuất nhằm cấp ngân sách tạm thời cho Chính phủ Mỹ nhưng không bao gồm khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine.

Nếu chính phủ thực sự phải tạm ngừng hoạt động, phần đông trong khoảng 4 triệu nhân viên chính phủ sẽ không được trả lương, bất luận họ có làm việc hay không. Ngoài ra, nhiều dịch vụ liên bang, từ Công viên Quốc gia đến cơ quan quản lý tài chính, đều sẽ phải đóng cửa.

Theo ngân hàng Goldman Sachs, việc đóng cửa Chính phủ Mỹ sẽ trực tiếp làm giảm mức tăng trưởng GDP khoảng 0,15 điểm phần trăm trong mỗi tuần kéo dài, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ tăng tương đương sau khi việc đóng cửa được giải quyết.

Thế bế tắc xảy ra chỉ vài tháng sau khi Quốc hội đưa chính phủ liên bang đến bờ vực vỡ nợ khối nợ 31.400 tỷ USD. Tình cảnh này đã làm dấy lên nhiều lo ngại trên Phố Wall. Moody’s Investors Service cảnh báo vụ việc có thể gây tổn hại đến uy tín tín dụng của Mỹ.

Quốc hội thường sẽ thông qua các dự luật chi tiêu tạm thời để có thêm thời gian đàm phán chi tiết ngân sách liên bang.

Ở một diễn biến khác, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm trong tuần này.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy

Chia sẻ với đài truyền hình CNN, nghị sĩ Matt Gaetz – thành viên Cộng hòa đại diện bang Florida cho biết, ông dự định trình kiến nghị bãi nhiệm trong tuần này và điều này sẽ buộc Hạ viện tổ chức một cuộc bỏ phiếu về việc liệu ông McCarthy có tiếp tục giữ chức vụ hay không.

“Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được một thỏa thuận với những người bảo thủ trong Hạ viện vào tháng 1 và kể từ đó, ông ấy đã vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn nhiều lần thỏa thuận đó. Thỏa thuận mà ông ấy đã ký với các đảng viên đảng Dân chủ đã thực sự vượt qua rất nhiều rào cản chi tiêu mà chúng tôi thiết lập. Đấy là giọt nước làm tràn ly. Tôi có ý định đệ đơn yêu cầu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện McCarthy trong tuần này. Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục với một nhà lãnh đạo mới đáng tin cậy”, hạ nghị sĩ Gaetz nhấn mạnh.

Phát ngôn của nghị sĩ Gaetz đánh dấu sự leo thang trong cuộc đối đầu kéo dài hàng tháng giữa Chủ tịch Hạ viện McCarthy và cánh hữu trong hạ viện, khiến ông phải trải qua 15 vòng bỏ phiếu vào tháng 1 để giành được vị trí chủ tịch. Trong quá trình để giành được vị trí cao nhất trong Hạ viện, ông McCarthy đã đưa ra một thỏa thuận cho phép chỉ cần một thành viên đưa ra kiến nghị đối với chủ tịch, Hạ viện sẽ phải tổ chức bỏ phiếu. Thỏa thuận này đã khiến ông McCarthy chật vật cả năm khi ông tìm cách xoa dịu phe cánh hữu trong tổ chức, đồng thời cố gắng thực hiện công việc điều hành cơ bản.

Phản ứng trước lời đe doạ từ nghị sĩ Gaetz, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cho biết: “Điều đó không có gì mới mẻ cả. Tôi sẽ sống sót qua vụ này. Đây là chuyện cá nhân của ông Matt. Nếu muốn, cứ làm như vậy đi”.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....