(GVNET) – Tóm tắt
- Vàng nhẫn ghi nhận đà tăng lên tới hơn 3 triệu đồng mỗi lượng trong tuần này. Chênh lệch mua – bán thu hẹp, nhà đầu tư hưởng lợi kép.
- Vàng thế giới tăng khoảng 1,4% trong cả tuần và đang hướng tới mức tăng 14% trong quý III.
- Vàng miếng lu mờ trước diễn biến của vàng nhẫn nhưng vẫn ghi nhận đà tăng gần 2 triệu đồng trong cả tuần.
Nội dung
Diễn biến thị trường vàng miếng trong tuần này
Thị trường vàng miếng vẫn đang biến động dưới sự quản lý chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước, giá vàng tăng hoặc giảm sẽ phụ thuộc vào tín hiệu điều chỉnh từ phía nhà điều hành. Do đó, trong tuần này, dù vàng thế giới có lúc leo lên cao kỷ lục lên tới 2685 USD/ounce, vàng miếng tại các doanh nghiệp vẫn đi ngang do Ngân hàng Nhà nước không thay đổi giá bán trực tiếp.
Trong tuần này, vàng miếng SJC chỉ ghi nhận 1 phiên điều chỉnh duy nhất với nhịp tăng 1,5 triệu đồng trong phiên 24/9 lên 81,5 triệu đồng/lượng chiều mua và 83,5 triệu đồng/lượng chiều bán – vùng giá cao nhất kể từ ngày 3/6/2024 và duy trì mức giá này cho đến hết tuần.
Hiện tại với mức giá 83,5 triệu đồng/lượng, SJC đang cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 1,4 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với mức chênh trong phiên cuối tuần trước.
Mặc dù giá vàng miếng trong nước đang duy trì chênh lệch rất thấp so với giá vàng thế giới – điều thường làm tăng sức hút với giới đầu tư – nhưng thực tế mặt hàng này lại đang mất đi sức hấp dẫn. Nguyên nhân chính đến từ việc các doanh nghiệp vàng áp đặt giới hạn số lượng bán ra, khiến người mua gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn hàng.
Nhiều nhà đầu tư nhận thấy, dù vàng miếng có lợi thế về giá và thường ít bị biến động theo xu hướng ngắn hạn, nhưng việc mua vào với số lượng lớn hiện nay là điều gần như không thể. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại, thậm chí là mất hứng thú, khi lựa chọn vàng miếng như một kênh đầu tư dài hạn.
Thay vì đầu tư vào vàng miếng, nhiều người đã chuyển hướng sang vàng nhẫn, nơi mà nguồn cung dồi dào hơn và việc mua bán diễn ra dễ dàng hơn.
Liên quan tới việc đăng ký mua vàng miếng “bình ổn”. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã trả lời phản ánh của một công dân tại TP.HCM thông qua Cổng thông tin Chính phủ về việc hơn một tuần nay người này không thể đăng ký mua vàng miếng SJC tại 4 ngân hàng lớn.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng, từ 3/6/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức bán vàng miếng SJC thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC để bán trực tiếp tới người dân.
Sau một thời gian triển khai, để hạn chế tình trạng tụ tập đông người, ngăn chặn hiện tượng thuê người xếp hàng đầu cơ mua vàng tại các điểm bán vàng, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC thực hiện đăng ký bán vàng trực tuyến.
Ngoài ra, theo báo cáo, Công ty SJC vẫn thực hiện bán vàng miếng trực tiếp tại các điểm thông báo. Do đó, khách hàng có thể lựa chọn hình thức mua vàng theo hướng dẫn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC như nêu trên.
Vàng nhẫn tăng liên tục dù cho vàng thế giới có những phiên “đuối sức”
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 28/9, thị trường vàng nhẫn có giá mua vào neo ở ngưỡng 81,5-82,75 triệu đồng/lượng, giá bán khoảng 83-83,45 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán khoảng 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng và mức phổ biến là dưới 1 triệu đồng – có lợi cho nhà đầu tư. Trong phiên cuối tuần trước, mức chênh mua – bán tại các đơn vị không có dưới 1 triệu đồng.
Nhà đầu tư hưởng lợi kép khi giá vàng nhẫn tăng mạnh kết hợp với việc các doanh nghiệp có động thái thu hẹp chênh lệch mua – bán. Chênh lệch càng thấp thì rủi ro đối với nhà đầu tư càng được hạn chế.
So với giá chốt cuối tuần trước, vàng nhẫn mua vào ghi nhận đà tăng khoảng 2,6-3,35 triệu đồng/lượng, giá bán tăng từ 2,7-2,9 triệu đồng/lượng. Sau khi trừ đi khoản chênh lệch mua – bán, nhà đầu tư sẽ có mức lợi nhuận lên tới 1,3-2,2 triệu đồng mỗi lượng sau 1 tuần mua vàng nhẫn.
Trong vòng hơn mười ngày qua, thị trường vàng nhẫn đã gây sửng sốt khi mỗi ngày lại ghi nhận một mức giá cao kỷ lục, vươn lên những đỉnh cao chưa từng thấy trong lịch sử. Từ chỗ từng thấp hơn giá vàng miếng đến cả chục triệu đồng mỗi lượng, nay vàng nhẫn đã vươn sát với giá vàng miếng, chỉ cách khoảng 50.000 đồng/lượng. thậm chí, có nơi giá mua vào của vàng nhẫn còn cao hơn cả giá mua vàng miếng.
Theo các chuyên gia, giá vàng nhẫn đang trải qua đợt biến động mạnh chủ yếu do tác động từ giá vàng thế giới liên tục phá kỷ lục và vượt mốc 2.600 USD/ounce, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ lãi suất. Chính đà tăng vọt này đã lan tỏa đến thị trường trong nước, đẩy giá vàng nhẫn lên cao. Tuy nhiên, giá vàng miếng lại ít biến động hơn do được Ngân hàng Nhà nước quản lý và bình ổn, khiến cho vàng nhẫn trở thành tâm điểm chính của mọi biến động giá.
Thêm vào đó, tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng miếng đã khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng nhẫn, tạo nên một làn sóng mua vàng nhẫn ồ ạt. Với nhu cầu bùng nổ trong khi nguồn cung ngày càng eo hẹp, giá vàng nhẫn đã không ngừng leo thang, thậm chí vẫn tiếp tục tăng ngay cả khi giá vàng thế giới có dấu hiệu chững lại hay suy giảm.
Diễn biến này cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường vàng, khi vàng nhẫn – từ chỗ bị coi là “thấp cấp” hơn vàng miếng – giờ đây đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư, thậm chí đánh bật cả vàng miếng trong cuộc đua lập kỷ lục giá mới.
Trước đây, khi thị trường vàng có những biến động mạnh, các doanh nghiệp thường lựa chọn cách gia tăng khoảng cách chênh lệch giữa hai chiều mua – bán, nhằm hạn chế rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, trong làn sóng tăng giá lần này, nhiều doanh nghiệp lại bất ngờ chọn hướng đi khác bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa giá mua và giá bán. Điều này được thể hiện rõ qua việc giá mua vào được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với giá bán ra.
Động thái này của các doanh nghiệp đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư và các chuyên gia phân tích. Nhiều người nhận định, trong bối cảnh giá vàng đang tăng vọt, nhu cầu mua vào của nhà đầu tư tăng mạnh mẽ, trong khi nguồn cung lại hạn chế do tình trạng khan hiếm vàng. Điều này khiến các doanh nghiệp vàng chủ động đẩy mạnh giá mua vào nhằm thu hút lượng vàng từ tay nhà đầu tư.
Giá vàng thế giới tăng 2 triệu đồng trong tuần này
Kết tuần, vàng thế giới dừng chân tại ngưỡng 2658,5 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.330 VND/USD) giá vàng đạt 82,09 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), tăng xấp xỉ 2 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch cuối tuần 27/9 do áp lực từ hoạt động chốt lời, nhưng vẫn ghi nhận đà tăng khoảng 1,4% trong cả tuần và đang tiến tới hoàn tất quý tăng mạnh nhất 8 năm nhờ triển vọng lãi suất giảm trên toàn cầu, đặc biệt là sự xoay trục chính sách tiền tệ ở Mỹ.
Tính từ đầu quý III đến nay, giá vàng đã tăng 14%, mức tăng mạnh nhất trong một quý kể từ quý I/2016. Tính từ đầu năm, giá vàng đã tăng 29%, mức tăng mạnh nhất trong một năm trong vòng 14 năm trở lại đây.
Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ mới đây cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – tăng 0,1% trong tháng 8, phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE tăng 2,2%, thấp hơn mức dự báo là tăng 2,3%.
Sau khi báo cáo được công bố, thị trường tăng nhẹ đặt cược vào khả năng Fed tiếp tục giảm lãi suất mạnh tay trong cuộc họp tháng 11. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng hơn 54% Fed chọn mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới, và gần 46% đặt cược vào mức giảm 0,25 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn có một phiên giảm do nhiều nhà đầu tư tiến hành hiện thực hóa lợi nhuận ở vùng giá kỷ lục.
Dù vậy, một số tổ chức dự báo và chuyên gia tin rằng giá vàng có khả năng đạt mức 3.000 USD trong tương lai không xa.
“Mốc 3.000 USD hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực trong năm nay. Có nhiều yếu tố có thể ‘tiếp lửa’ cho thị trường vàng”, chiến lược gia trưởng Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định.
“Đàm phán hòa bình ở Trung Đông có thể đổ vỡ, thị trường việc làm của Mỹ có thể tiếp tục suy yếu, Fed có thể giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm và lần tới, và Trung Quốc có thể tăng cường kích cầu”, ông Streible nói thêm, cho rằng đây là những yếu tố có thể hỗ trợ giá vàng tăng cao hơn.
Giá vàng tăng cao đang làm suy yếu nhu cầu vàng vật chất ở hai nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Nhiều người tiêu dùng ở hai quốc gia này đã bán vàng thay vì mua vàng trong tuần này, hãng tin Reuters cho hay.
Giá bạc cũng tăng vọt trong những phiên vừa qua, được hưởng lợi từ tác động lan tỏa từ vàng, mặc dù một số nhà phân tích cảnh báo rằng đà tăng có thể suy yếu dần. Trong phiên ngày 26/9, giá bạc đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm. Bà Amelia Xiao Fu, Trưởng bộ phận thị trường hàng hóa tại BOCI, nhận định giá bạc sẽ tiếp tục tăng trong những quý tới và sẽ hướng tới mốc 37 USD/ounce.
Giavang.net